Thành tựu phát triển sau 30 năm đổi mới

Bình Minh| 21/01/2016 09:30

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Hoạt động đối ngoạị, hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng.

ADQuảng cáo

Kinh tế phát triển vượt bậc

Trong phát triển kinh tế, Đảng ta đã quyết định từ bỏ mô hình tập trung bao cấp, chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đó là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.

Ngành dệt may có bước phát triển vượt bậc trong thời kỳ đổi mới. Ảnh tư liệu

Nhờ có đường lối phát triển kinh tế đúng đắn và giải pháp phù hợp, qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, được thế giới đánh giá cao. Kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới là tốc độ tăng trưởng GDP khá cao gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong kế hoạch 5 năm đầu sau đổi mới 1986-1990, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 4,4%. Sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực có bước phát triển mới. Năm 1989, Việt Nam đã xuất khẩu 1,42 triệu tấn gạo, đánh dấu thời kỳ chuyển đổi tính chất sản xuất từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với xuất khẩu gạo.

Sản xuất công nghiệp có bước phát triển mới. Một số ngành then chốt của nền kinh tế tăng trưởng khá. Hoạt động thương mại, dịch vụ khôi phục và tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Bước sang những năm 90, nền kinh tế bắt đầu có sự phát triển tăng tốc hơn. Giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó.

Giai đoạn 5 năm tiếp theo 1996-2000, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực nhưng GDP cả nước vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm. Giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%. Giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,914%/năm, là mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế của nước ta cũng có những bước chuyển biến theo hướng tích cực. Từ chỗ tỷ trọng  nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm phần lớn, tính đến hết năm 2015, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP chiếm 83%.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Năm 2003, sau 16 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 40 tỷ USD thì đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 204 tỷ USD. Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng.

Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP vào tăng trưởng nếu ở giai đoạn 2001-2005 đạt 21,4%, giai đoạn 2006-2010 đạt 17,2% thì trong giai đoạn 2011-2015 đạt 28,94%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Một góc thị xã Gia Nghĩa hôm nay. Ảnh: Ngọc Tâm

An sinh xã hội được chú trọng; đời sống của nhân dân được nâng cao

Trong những năm đổi mới, Việt Nam đã rất quan tâm thực hiện các chính sác xã hội vì hạnh phúc của con người, coi đây là thể hiện tính ưu việt, bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng là khắc phục mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên xã hội về ăn, ở, đi lại, lao động, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất. Mỗi năm tạo bình quân 1,5 đến 1,6 triệu việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Qua 30 năm đổi mới, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là giảm nghèo bền vững đi đôi với khuyến khích làm giàu  hợp pháp, chính đáng; chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5-2%/năm. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 60% trước đổi mới xuống còn 9,5%, năm 2013 còn 7,5%, năm 2015 còn dưới 5%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam được Liên Hợp Quốc công nhận và đánh giá cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 471 USD/người/năm vào năm 2003 lên 2.228 USD/người/năm trong năm 2015.

ADQuảng cáo

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng  cao chất lượng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú.

Nước ta đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm; mở rộng các hình thức cứu trợ xã hội; bảo đảm cung ứng một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, nhất là cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao.

Ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa tại Krông Nô. Ảnh: Hồng Thoan

Mở rộng quan hệ đối ngoại

Đảng đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Nhờ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế bằng những chính sách phù hợp nên Việt Nam đã phát huy được nội lực, tranh thủ ngoại lực, tiếp thu những thành tựu về khoa học, công nghệ, về kinh tế trí thức, kinh nghiệm quốc tế, văn minh của nhân loại… để phát triển, hiện đại hóa lực lượng sản xuất, xây dựng đất nước.

Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các quan hệ song phương và tổ chức đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, Liên minh châu Âu, TPP… thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA), xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học-công nghệ, trình độ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao  với 170 nước (trong đó xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước), quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ, ký trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, vị thế và uy tín quốc tế của Việt nam ngày càng được nâng lên. Thế giới đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Những hạn chế, khuyết điểm tiếp tục khắc phục

Sau 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ.

Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội.

Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ "tụt hậu xa hơn nữa về kinh tế" và nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút.

Những hạn chế, khuyết điểm trên đây đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Những bài học kinh nghiệm quý báu

Có thể nói, với đường lối đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và phấn đấu của toàn dân, toàn quân, nước ta sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 30 năm đổi mới, thế mạnh vốn có, khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm để phát triển và đạt được nhiều thành tựa mới trong các giai đoạn tiếp theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu phát triển sau 30 năm đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO