Tập trung ổn định thị trường trong dịp tết

Lê Dung| 13/12/2019 10:06

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều cơ sở kinh doanh đã chủ động nguồn vốn và nhập các mặt hàng thiết yếu nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

ADQuảng cáo

Chủ động nguồn cung

Hiện tại, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã tập trung cho dự trữ hàng hóa phục vụ tết, góp phần cân đối cung- cầu, ổn định thị trường trên địa bàn.

Tại thị xã Gia Nghĩa, cách đây gần 1 tháng, nhiều cửa hàng, siêu thị đã đầu tư một nguồn vốn lớn, để nhập hàng hóa phục vụ dịp cuối năm. Trong đó, Siêu thị Co.opmart Gia nghĩa đã bố trí gần 10 tỷ đồng để dự trữ khoảng 30.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; cửa hàng kinh doanh Hoàng Hảo cũng đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để dự trữ khoảng 5.000 mặt hàng các loại; cửa hàng kinh doanh Phượng Hóa đầu tư 5 tỷ đồng để dự trữ gần 5.000 mặt hàng tiêu dùng…

Các cửa hàng bán lẻ ở Tuy Đức lấy hàng về chuẩn bị bán trong dịp tết. Ảnh: Lê Dung

Tại huyện Tuy Đức, hầu hết các cơ sở kinh doanh cũng đã nhập hàng về. Trong đó, tại tạp hóa Thu Hiền, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để nhập gần 4.000 mặt hàng thiết yếu. Theo bà Hoàng Thị Miền, chủ tạp hóa Thu Hiền thì năm nay, cơ sở đã nhập lượng hàng gấp đôi so với năm ngoái; trong đó, tập trung chủ yếu ở các loại hàng hóa như: Bánh kẹo, nước uống... Về cơ bản, giá các mặt hàng phục vụ tết đến nay vẫn ổn định, không tăng so với ngày thường. Ngoài ra, một số mặt hàng, nhà sản xuất còn có các chương trình khuyến mại tốt hơn năm ngoái rất nhiều…

Theo đánh giá của Sở Công thương thì hàng hóa năm nay khá phong phú, mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Với việc chuẩn bị chu đáo này sẽ giúp người tiêu dùng trên địa bàn thuận tiện và yên tâm hơn khi đi mua sắm trong dịp cuối năm.  

Chất lượng hàng hóa được chú trọng

Cũng theo Sở Công thương, qua khảo sát từ thị trường cho thấy, cùng với việc bảo đảm về số lượng, năm nay, các cơ sở kinh doanh cũng đặc biệt quan tâm tới chất lượng của từng sản phẩm nhập về.

Cửa hàng kinh doanh tổng hợp thuộc Chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực thành phố Hồ Chí Minh - Foodcomart Đắk Nông (Đắk R’lấp), năm nay bố trí hơn 3 tỷ đồng để dự trữ khoảng 5.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu các loại.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Huấn, Giám đốc Chi nhánh thì phần lớn hàng hóa của cửa hàng đều được nhập về từ các nhà sản xuất lâu năm, có uy tín trong nước. Trên mỗi sản phẩm đều thể hiện rõ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc trưng bày, bảo quản sản phẩm cũng luôn được đơn vị chú trọng, nhằm đảm bảo một cách tốt nhất về chất lượng… 

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm tại Cửa hàng kinh doanh tổng hợp thuộc Chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực TP. Hồ Chí Minh - Foodcomart Đắk Nông (Đắk R’lấp). Ảnh: Lê Dung

Chuyên kinh doanh về các loại thực phẩm như: Rượu, thực phẩm đông lạnh, sữa cho trẻ nên chất lượng sản phẩm cũng luôn được Cửa hàng thực phẩm Vissan ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đặt lên hàng đầu. Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, chủ cửa hàng thì phần lớn lượng khách hàng đều thuộc đối tượng “khó tính”. Vì thế, toàn bộ sản phẩm tại cửa hàng đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Trong đó, 60% sản phẩm hàng trong nước tại đây đều được lấy từ các thương hiệu lớn; 40% sản phẩm ngoại nhập luôn có xuất xứ rõ ràng và kiểm định chất lượng đầy đủ. Hiện tại, lượng hàng tết tại cơ sở mới nhập về được khoảng 30% so với kế hoạch. Phần còn lại sẽ tiếp tục được đơn vị nhập về sớm trên cơ sở sức mua của người dân...

Về cơ bản, chất lượng các mặt hàng năm nay vẫn giữ nguyên so với mọi năm. Giá cả phần lớn các mặt hàng phục vụ tết đều ổn định. Ngoại trừ giá của mặt hàng đông lạnh là đang có dấu hiệu “nhích” hơn so với ngày thường từ 5-10%.

Chất lượng sản phẩm luôn được Cửa hàng thực phẩm Vissan (Đắk R'lấp) đặt lên hàng đầu. Ảnh: Lê Dung

Nhiều giải pháp cân đối cung-cầu

Cùng với sự chủ động nguồn hàng của các cơ sở kinh doanh, Sở Công thương cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá vào dịp cuối năm.

Theo đó, các chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ, triển lãm thương mại sẽ được đơn vị thường xuyên phối hợp triển khai. Hiện tại, Sở đã xác nhận và sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức 7 hội chợ, triển lãm vào dịp từ nay đến cuối năm tại địa bàn các huyện như: Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’lấp… Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với Siêu thị Coopmart Gia Nghĩa tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là dịp để người dân được tiếp cận và mua sắm những hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) thì từ nay tới trong và sau Tết Nguyên đán, ngành sẽ luôn theo dõi sát cung-cầu, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu... để kịp thời tham mưu cho tỉnh những giải pháp bình ổn thị trường. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng sẽ được đơn vị phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường hơn nữa, nhằm sớm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, đơn vị sẽ phối hợp theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Từ đó sẽ có những đánh giá về khả năng cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu khác cho thị trường trong dịp cuối năm. Việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng xăng dầu, điện sinh hoạt, điện sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được ngành đẩy mạnh hơn nữa...

Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, ngành chức năng, thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân trên địa bàn tỉnh cả về lượng và chất.    

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung ổn định thị trường trong dịp tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO