Tập trung các biện pháp để tăng đàn lợn

Văn Tâm thực hiện| 03/07/2020 08:54

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cơ bản đã được kiểm soát. Mặc dù vậy, tình hình tái đàn lợn tại các hộ chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, khan hiếm nguồn giống, dịch bệnh tái phá… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Đáp, Chi Cục phó Chi Cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp – PTNT).

ADQuảng cáo

Ông Đoàn Văn Đáp

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình tái đàn lợn tại các địa phương đến nay đã đạt kết quả như thế nào?

Ông Đoàn Văn Đáp: Theo báo cáo của các huyện, thành phố, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 250.252 con, ước đạt 118% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó đàn lợn thịt khoảng 230.200 con.

Công tác tái đàn lợn đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm, chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ gia đình tái đàn lợn, tăng quy mô chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, việc tái đàn, tăng đàn ưu tiên ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ở những xã không có dịch, tiếp theo là các xã đã hết dịch bệnh.

Ngành Nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương cử nhân viên thú y xã hướng dẫn, kiểm tra điều kiện chuồng trại bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi tái đàn. Các hộ chăn nuôi cũng phải thực hiện kê khai chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Tuy nhiên, việc tái đàn lợn chủ yếu tập trung ở các trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty lớn như Công ty CP, các trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Còn chăn nuôi nông hộ vẫn còn chậm, một phần do lo ngại dịch bệnh tái phát, mặt khác hiện nay nguồn lợn giống khan hiếm, giá cao nên đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn để đầu tư tăng quy mô đàn.

Phóng viên: Với nhu cầu con giống để tái đàn đang rất lớn, trong khi nguồn cung lợn giống trên thị trường lại đang khan hiếm. Ông có thể cho biết sẽ tháo gỡ vấn đề này thế nào?

Ông Đoàn Văn Đáp: Hiện nay, nhu cầu con giống bảo đảm chất lượng để đáp ứng yêu cầu tăng đàn, tái đàn lợn của người chăn nuôi đang gặp khó khăn. Các trang trại chăn nuôi lớn sản xuất lợn giống chủ yếu cung cấp nội bộ và mạng lưới hệ thống gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Trong khi đó, sau khi hết dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn nái trong các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ đã giảm mạnh. Do đó, nguồn lợn giống trở nên khan hiếm hơn, nhiều nông hộ, trang trại bên ngoài không tiếp cận được nguồn giống, dẫn đến giá mặt hàng này hiện nay tăng rất cao.

Để thúc đẩy tái đàn, tăng đàn lợn nhanh và an toàn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi trong tỉnh.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cho phép các doanh nghiệp nhập lợn sống từ Thái Lan, trong đó có lợn giống. Động thái này đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong tình trạng khan hiếm và hạ giá bán của lợn giống hiện đang rất cao.

Cùng với đó, các địa phương cũng khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để chi trả kịp thời kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, giúp người dân có nguồn vốn khôi phục sản xuất, tăng quy mô đàn lợn.

Phóng viên: Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi. Vậy người chăn nuôi cần thực hiện biện pháp gì để phòng, chống dịch hiệu quả, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Đáp: Hiện nay dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh đã tái phát tại một số hộ và còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát diện rộng. Do đó, để tránh xảy ra tình trạng dịch bệnh bùng phát, các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, cần thực hiện nghiêm các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học.

Quy tắc đầu tiên là con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch, xuất phát từ cơ sở đã được xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Người dân tuyệt đối không mua lợn giống của người bán rong, bán dạo; thực hiện nghiêm việc phun thuốc sát trùng để tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Hàng tuần, bà con cần rắc vôi bột tại các lối đi bên trong, bên ngoài khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra vào chuồng trại. Đặc biệt bà con cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho đàn lợn.

Khi xuất bán lợn, người dân không để xe của các thương lái tiếp xúc trực tiếp với khu vực chăn nuôi để ngăn ngừa sự phát tán, lây lan mầm bệnh từ ngoài vào. Quá trình chăn nuôi, bà con sử dụng các loại thức ăn cho lợn có nguồn gốc, uy tín, tuyệt đối không sử dụng thức ăn dư thừa, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thức ăn từ các cơ sở chăn nuôi bị dịch bệnh.

Do hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc để điều trị bệnh, nên việc phòng ngừa là giải pháp quan trọng nhất để hạn chế mầm bệnh phát sinh, lây lan, tiến tới kiểm soát được dịch bệnh.

Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức tiêu độc, khử trùng định kỳ hàng tuần ở các nơi đã có dịch xảy ra, nhất là tiêu độc các hố chôn lợn trước đây để ngăn chặn nguy cơ tái phát dịch từ các ổ dịch cũ.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung các biện pháp để tăng đàn lợn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO