Tạo hướng đi bền vững cho kinh tế trang trại

Văn Tâm| 24/03/2015 09:31

Những năm trở lại đây, kinh tế trang trại (TT) đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Phát triển trang trại cây ăn trái được người dân xã Đắk Ha đầu tư có hiệu quả.

MÀU XANH TRÊN ĐẤT TRỐNG, ĐỒI TRỌC

Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, Đắk Nông là địa phương có điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng nói chung và kinh tế TT nói riêng. Những năm gần đây, loại hình kinh tế TT này đã và đang không ngừng khởi sắc, với những kết quả đạt được đáng ghi nhận. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 935 TT đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp - PTNT, trong đó, có 877 TT trồng trọt và tổng hợp, 58 TT chăn nuôi. Từ sự năng động, đổi mới, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, nhiều nông dân đã vươn lên, không những thoát nghèo mà còn trở nên khá giả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của địa phương.

TT Thu Thủy ở thôn 10, xã Nâm N’Jang (Đắk Song), có tổng diện tích 42 ha, được che chắn bởi rừng thông 3 lá và các loại gỗ quý như gõ, hương, cẩm lai, sao, dầu... là môi trường trong lành kết hợp với vườn ao, chuồng và du lịch sinh thái bền vững. Đây là TT sản xuất khép kín giữa trồng trọt và chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, xanh, có giá trị kinh tế cao.

Ông Đinh Xuân Thu, chủ TT Thu Thủy cho biết: “TT đã và đang tiến dần tới đầu tư thâm canh với các sản phẩm đặc trưng, mũi nhọn là cá chình và bò cao sản. Tương lai, chúng tôi phấn đấu trở thành những sản phẩm nổi tiếng của tỉnh và của khu vực Tây Nguyên. Hàng năm, TT thu nhập khoảng 2,5 tỷ đồng, giải quyết cho khoảng 20 lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, TT còn đầu tư trồng 8 ha tiêu dưới tán rừng và 22 ha tiêu Vĩnh Linh trồng mới, TT dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn tiêu/năm, với các sản phẩm hồ tiêu như tiêu đen, tiêu sọ, đặc biệt là tiêu đỏ, không thua kém chất lượng của các nước.

Trang trại Thu Thủy ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) trồng tiêu dưới tán rừng, khai thác được lợi thế đất đai tại địa phương.

Tương tự, TT Thanh Tâm ở thôn 14, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) cũng khai thác hiệu quả vùng đất trống, đồi trọc để đầu tư, sản xuất đạt hiệu quả cao. TT Thanh Tâm rộng 90 ha, với diện tích trồng trọt trên 50 ha, nuôi trồng thủy sản 5 ha, 1 ha chăn nuôi gia súc, gia cầm... còn lại là diện tích trồng rừng. Nhờ đầu tư đa cây, đa con như vậy nên TT đã đem lại rất nhiều lợi thế cho chủ TT, có thể lấy ngắn nuôi dài, giúp duy trì sản xuất kinh doanh. Hàng năm, TT Thanh Tâm đã cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn cà phê, hồ tiêu, gần 20.000 con vịt xiêm, gà giống, gà thịt, 30.000 trứng gia cầm, 100 con heo rừng, cũng như đáp ứng nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ sản xuất tại địa phương. Theo ông Trần Đại Huệ, doanh thu hàng năm của TT đạt khoảng 4 tỷ đồng, giải quyết được khoảng 40 lao động thường xuyên và hơn 1.000 công lao động thời vụ.

ADQuảng cáo

Có thể nói, ngoài 2 TT Thu Thủy, Thanh Tâm kể trên thì toàn tỉnh hiện có khá nhiều TT làm ăn có hiệu quả như TT Đặng Gia, xã Đức Mạnh (Đắk Mil), TT chăn nuôi chim cút của ông Nguyễn Tiến Phiên, ở phường Nghĩa Trung, TT Lam Quýt ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), TT chăn nuôi Nguyễn Văn Hưởng ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp)...

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo kết quả điều tra, khảo sát thì đa số các chủ TT đều xuất thân chủ yếu là nông dân, số ít là cán bộ công chức và thành phần khác. Về trình độ văn hóa, nhìn chung các chủ TT đều chưa qua đào tạo chiếm 84%, đã qua đào tạo nhưng chưa được cấp chứng chỉ chiếm 8%, sơ cấp, cao đẳng chiếm 6%, đại học 2%. Hầu hết các chủ TT phát triển kinh tế thông qua kinh nghiệm là chủ yếu hoặc qua báo, đài, một số được đào tạo tập huấn ngắn hạn.

Còn đối với lao động của TT thì qua khảo sát thực tế cho thấy, các trang trại trên địa bàn tỉnh có 12.898 lao động, tăng gần 300 lao động so với năm 2013. Bình quân, mỗi TT có 14 lao động, với mức lương từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng đối với lao động thường xuyên và từ 150.000 – 180.000/người/ngày đối với lao động thời vụ. Phần lớn các chủ TT và thành viên của hộ TT đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý. Vì vậy, các TT đã tận dụng được 16% lao động tự có.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, nhìn chung, phần lớn các sản phẩm làm ra của các TT đều trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng và thị trường. Tổng doanh thu của TT đạt trên 1.100 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm. Theo đó, tổng lợi nhuận của TT đạt hơn 500 tỷ đồng/năm. Mặc dù lợi nhuận của các TT không đồng đều giữa các địa phương nhưng vẫn cao hơn hẳn thu nhập của các hộ nông dân bình thường trong vùng.

Trang trại bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Quảng Khê (Đắk Glong).

Có thể nói, việc phát triển kinh tế TT đã biến các hộ nông dân bình thường thành các chủ TT giàu có, thu nhập cao, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và cải thiện môi trường tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển kinh tế TT trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, một số TT không theo quy hoạch về phát triển nông nghiệp của tỉnh. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT thì để giúp cho các TT phát triển ổn định, bền vững, tỉnh đã đề ra một số giải pháp như rà soát, quy hoạch phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh nhằm xác định vùng, lợi thế địa phương, giúp cho kinh tế TT hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng đề án quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế khí hậu, đất đai của tỉnh. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng cũng đã tham gia đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế TT như giải pháp về đất đai, vốn, lao động, thị trường, khoa học, công nghệ, cơ sở hạ tầng, đào tạo chuyên môn... Đây chính là động lực để kinh tế TT của địa phương phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo hướng đi bền vững cho kinh tế trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO