Tăng tốc cho chỉ tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Đức Diệu| 18/06/2018 10:46

Qua rà soát, đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông cho thấy, đa số các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đều có khả năng đạt, vượt kế hoạch đề ra nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng có khả năng không đạt đó là tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

ADQuảng cáo

Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế được xem là những chỉ tiêu quan trọng, có tác động lớn đến chất lượng phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Tuy nhiên, đây lại là 2 trong 4 chỉ tiêu được dự báo có nhiều khả năng không đạt mục tiêu giai đoạn 5 năm (2015-2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Việc rà soát để tìm dư địa nhằm tăng tốc cho 2 chỉ tiêu này được xem là vấn đề cần thiết trong thời gian còn lại.

Nông dân Đắk Song phun thuốc phòng trừ bệnh rệp sáp, nấm, sâu đục thân... để hồi phục vườn cà phê sau mùa khô. Ảnh: Y Sơn

Hụt ngay từ những năm đầu

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của Đắk Nông giai đoạn 2015-2020 phấn đấu đạt trên 9%. Đây là con số được tính toán dựa trên cơ sở thực tiễn tiềm năng, tiềm lực của địa phương trong lộ trình phát triển. Tuy nhiên, trong nửa thời gian đầu của giai đoạn, mục tiêu này luôn thấp hơn mục tiêu chung đã đề ra.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên kết quả rà soát, đánh giá mới đây, tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm (2016-2018)  toàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 7,98%, trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 15,72%; nông- lâm, ngư nghiệp tăng 5,82%; dịch vụ tăng 7,53%; thuế  tăng 8,38%.  Như vậy, so với kế hoạch chung là tăng trưởng trên 9% thì 3 năm đầu, chỉ tiêu này tụt đích khá xa.

Xét cụ thể về tăng trưởng từng khu vực thì trong giai đoạn 2016-2018, khu vực 1 (nông lâm nghiệp) và 3 (thương mại - dịch vụ) có tốc độ tăng trưởng ổn định, luôn vượt kế hoạch còn khu vực 2 (công nghiệp - xây dựng) không đạt theo kế hoạch do một số dự án lớn chậm tiến độ so với dự kiến.

Cụ thể, theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn là 30.375 tỷ đồng nhưng trên thực tế, con số này ước đến hết năm 2018 chỉ đạt 24.179 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động chậm hơn dự kiến và nhà máy điện phân nhôm hiện nay vẫn đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động theo kế hoạch ban đầu. Chưa kể, một số sản phẩm công nghiệp những năm qua vẫn chưa giải quyết được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định ảnh hưởng đến giá trị sản xuất như chế biến gỗ, đường tinh luyện…

Bên cạnh đó, hy vọng khởi sắc ở lĩnh vực này từ sự đột phá trong thu hút đầu tư ở các khu, cụm công nghiệp thời gian qua xem ra không mấy khả thi. Hiện tại, toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp, trong đó 2 cụm công nghiệp đã đầu tư nhưng chưa hoàn thiện, còn 3 cụm công nghiệp chưa đầu tư theo kế hoạch đề ra. Nhìn chung, các cụm công nghiệp hoạt động không hiệu quả do giá thuê mặt bằng quá cao và năng lực các nhà đầu tư còn hạn chế, thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất… nên chưa phát huy tốt hiệu quả đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh chỉ tiêu về tăng trưởng thì cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng đang diễn ra khá chậm so với định hướng và mục tiêu kế hoạch. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đưa ra mục tiêu về cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là khu vực nông nghiệp chiếm 43,55%; công nghiệp, xây dựng chiếm 22,08%; dịch vụ chiếm 28,67% và khu vực thuế chiếm 5,7%.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, dự kiến cơ cấu kinh tế đến năm 2018, khu vực nông nghiệp chiếm 47,98%; công nghiệp, xây dựng chiếm 15, 46%; dịch vụ chiếm 31,35%; thuế chiếm 5,21%. Nhìn vào con số trên cho thấy, cơ cấu của ngành nông nghiệp vẫn đang chiếm tỷ trọng khá lớn, trong khi cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ lại tăng chậm so với kế hoạch lộ trình. Nếu chúng ta không có sự đột phá lớn về chuyển dịch cơ cấu, không chỉ khả năng thực hiện thắng lợi thành công mục tiêu Nghị quyết đề ra thấp mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu về lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ đô thị hóa và các chỉ tiêu trọng tâm khác.

Tận dụng tối đa các nguồn lực

Mặc dù đến nửa chặng đường của 5 năm kế hoạch, 2 chỉ tiêu về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt so với kịch bản lộ trình song không hẳn là không thể đạt khi kết thúc giai đoạn của năm kế hoạch. Để tạo được sự bứt phá cần thiết, điều quan trọng là chúng ta phải tận dụng tối đa dư địa cho tăng trưởng để tăng tốc trong thời gian nửa cuối nhiệm kỳ còn lại.

Từ kết quả ước đạt trong 3 năm đầu của giai đoạn kế hoạch thì rõ ràng, để tăng trưởng kinh tế giai đoạn 5 năm (2016-2020)  tăng bình quân trên 9% thì 2 năm còn lại (2019 và 2020) mỗi năm tăng trưởng phải đạt trên 10%.

Tuy nhiên, theo phân tích, dư địa cho tăng trưởng trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại vẫn chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp-xây dựng. Bởi vì trong khu vực nông nghiệp, những năm qua đều duy trì ở mức tăng trưởng tịnh tiến nhưng với tốc độ không cao. Trong khi một vài năm tới, khu vực này cũng chưa có nhiều dư địa phát sinh do quy hoạch vùng chuyên canh của chúng ta vẫn còn chậm. Hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp dự báo có tăng trong một vài năm tới nhưng cũng không đáng kể nên chưa đủ sức tạo ra sự bứt phá. Bên cạnh đó, đây là khu vực chịu nhiều tác động bởi yếu tố giá cả thị trường của những nông sản chủ lực, tác động cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu.

Trong 15 chỉ tiêu trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra thì có 11 chỉ tiêu dự kiến đạt hoặc vượt kế hoạch gồm: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; thu ngân sách nhà nước; hạ tầng giao thông; hạ tầng cấp thoát nước và đô thị; hạ tầng cấp điện; dân số; lao động việc làm; y tế; giáo dục; văn hóa và nông thôn mới. 4 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch bao gồm: Tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế;  GRDP bình quân đầu người và công tác giảm nghèo.

Tương tự, dựa vào dự báo về mức tăng dân số và hoạt động du lịch cũng như các yếu tố liên quan, khu vực dịch vụ cũng chưa có nhiều dư địa để tăng tốc về tốc độ tăng trưởng. Chỉ có khu vực công nghiệp - xây dựng dự báo sẽ có nhiều khả năng tăng tốc ở những năm nửa cuối giai đoạn 5 năm bởi một số yếu tố phát sinh, tạo ra dư địa khá lớn cho tăng trưởng. Cụ thể, mặc dù chậm tiến độ so với kế hoạch nhưng dự báo chậm nhất, Dự án Điện phân nhôm sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, đầu 2020.

Ngoài sản xuất alumil thì điện phân nhôm là sản phẩm công nghiệp mới với nhiều kỳ vọng đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian gần đây, trong những năm tiếp theo sẽ bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định cho nền kinh tế.

Với sự tăng trưởng đáng kể ở khu vực công nghiệp sẽ kéo theo sự cải thiện mạnh mẽ về khu vực lao động việc làm và cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp theo mục tiêu Nghị quyết.  

Thế nhưng, theo UBND tỉnh, tỷ trọng công nghiệp của Đắk Nông chưa lớn nên mặc dù còn nhiều dư địa nhưng cũng chưa đủ sức để đưa tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế vượt mức trên 10%/năm và chuyển dịch các khu vực kinh tế theo như mục tiêu đề ra vào năm 2020 nếu chúng ta không tận dụng tối đa các nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng ở tất cả các khu vực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc cho chỉ tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO