Tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến nông hộ

Văn Tâm| 19/09/2016 09:13

Trong những năm qua, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường việc chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến từng nông hộ. Nhờ vậy, trình độ canh tác nông nghiệp của người dân đã từng bước được nâng cao.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 318.443 ha, trong đó, cây hàng năm có hơn 109.123 ha, cây lâu năm hơn 209.320 ha. Nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: Hồ tiêu, cà phê, điều, cây ăn quả có múi… đã giúp cho giá trị của ngành nông nghiệp không ngừng tăng trưởng cao trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh nên vườn cà phê đạt trên 4 tấn/ha

Thời gian qua, việc triển khai các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm đã được ngành chuyên môn, chính quyền địa phương chú trọng. Trong đó, việc triển khai các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng và dịch hại (ICM), chương trình tập huấn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certified, sử dụng giống mới vào sản xuất, các loại chế phẩm thay thế thuốc hóa học… đã từng bước thay đổi căn bản phương pháp canh tác cũ sang áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chẳng hạn như chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, các địa phương và nông hộ liên kết với các doanh nghiệp thực hiện đã mang lại những kết quả thiết thực. Để chuyển giao khoa học đến với nông hộ, từ năm 2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Đắk Nông đã phối hợp với Công ty Nestle Plan và phòng nông nghiệp - PTNT các huyện triển khai chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C.

ADQuảng cáo

Dự án đã chọn 30 vườn mẫu trên địa bàn 5 huyện để thực hiện dự án. Các hộ tham gia chương trình được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn tưới nước tiết kiệm, quản lý sâu bệnh, ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê. bón phân hợp lý, thu hoạch quả chín, ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi và nhất là bảo vệ môi trường. Sản phẩm được kiểm tra và thu mua với giá cao hơn 600 đồng/kg so với giá ngoài thị trường.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở nông nghiệp-PTNT), đến nay, toàn tỉnh đã có 12 doanh nghiệp thu mua cà phê hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, giống, xây dựng vườn mẫu theo tiêu chuẩn 4C, UTZ cho trên 29.000 ha cà phê, với 14.472 hộ tham gia.

Ngoài chương trình sản xuất cà phê theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ Certified, từ năm 2004 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật còn triển khai hiệu quả chương trình IPM, ICM. Trong đó, chương trình IPM đã tổ chức được 96 lớp tập huấn, với 2.880 người tham gia, diện tích ứng dụng khoảng hơn 24.931 ha các loại cây trồng. Còn chương trình ICM, số lớp tập huấn sau hơn 10 năm là 94 lớp, với 3.760 người tham gia, với 21 cánh đồng “3 giảm, 3 tăng”, trên tổng diện tích hơn 3.544 ha lúa.

Có thể nói, việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật đến từng nông hộ đã giúp người dân thực hiện tốt hơn các quy trình canh tác tiên tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo quản tốt sau thu hoạch… Đây cũng chính là nền tảng để sản xuất nông nghiệp của tỉnh hướng đến một nền sản xuất hiệu quả theo hướng bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến nông hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO