Tận dụng “dư địa”, khống chế CPI ở mức thấp nhất

Lê Dung thực hiện| 30/10/2020 13:48

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2020 của tỉnh Đắk Nông tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Dự báo trong những tháng tiếp theo, CPI toàn tỉnh sẽ tăng nhẹ. Để thông tin thêm về những giải pháp điều hành thị trường, Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Hoàng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê.

ADQuảng cáo

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê


PV: CPI của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2020 có giảm so với bình quân chung của cả nước, nhưng vẫn ở mức cao. Ông có thể cho biết cụ thể về các yếu tố tác động?

Ông Phan Văn Hoàng: Trong 9 tháng đầu năm 2020, CPI bình quân của tỉnh tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có nhiều yếu tố làm gia tăng chỉ số giá.

Cụ thể, tháng 1 và 2 là thời điểm Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Trong đó, giá các mặt hàng lương thực bình quân trong 9 tháng tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng thực phẩm bình quân tăng 114,03% so với cùng kỳ, do các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp Tết Nguyên Đán. Thêm vào đó, giá mặt hàng thịt gia súc cũng tăng cao do nguồn cung trên thị trường chưa được bảo đảm. Giá thịt gia súc các loại tăng 43,66% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo, giá thịt chế biến tăng 32,12%.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp nên nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao. Vì vậy, giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Bình quân 9 tháng, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,03% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng cao hơn trong dịp Tết là do nhu cầu tăng. Bình quân 9 tháng, chỉ số giá các nhóm này tăng 0,81% so với cùng kỳ…

PV: Bên cạnh những nguyên nhân làm tăng, còn có những yếu tố nào góp phần kiềm chế tốc độ CPI trong 9 tháng đầu năm, thưa ông?

Ông Phan Văn Hoàng: Bên cạnh những nguyên nhân làm tăng CPI, còn có những yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ CPI của Đắk Nông trong 9 tháng đầu năm. Trong thời gian này, giá xăng dầu trong nước đã có tới 18 đợt điều chỉnh, gồm có: 11 đợt điều chỉnh giảm giá xăng E5; 10 đợt điều chỉnh giảm giá đối với xăng A95 và 5 đợt điều chỉnh giá đối với cả 2 mặt hàng xăng. Ngoài ra, các mặt hàng dầu diezen cũng có tới 12 đợt điều chỉnh giảm, 5 đợt điều chỉnh tăng giá.

Theo đó, xăng, dầu trong nước bình quân 9 tháng giảm 22,12% so với cùng kỳ, tác động làm cho CPI chung giảm 0,8%. Giá dầu hỏa bình quân 9 tháng giảm 30,1% so với cùng kỳ. Giá gas trong nước biến động theo thị trường thế giới. Bình quân trong 9 tháng, giá gas thế giới đạt mức 393 USD/tấn, giảm 19,15% so với cùng kỳ. Ở trong nước, từ đầu năm 2020, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt, giảm 3 đợt. Bình quân 9 tháng, giá gas giảm 1,68% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhu cầu du lịch cũng giảm trong thời gian giãn cách xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân giảm theo. So với cùng kỳ năm trước, giá vé máy bay bình quân 9 tháng giảm 33,68%, giá vé tàu hỏa giảm 1,57%.

Một nguyên nhân nữa là trong thời điểm này, Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Các gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng từ tháng 4-6 năm 2020 cũng đã tác động kiềm chế tốc độ gia tăng CPI không nhỏ.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, trong 9 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và nhiều đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cân đối cung - cầu, tăng cường tái đàn và nhập khẩu thịt heo từ các nước có quan hệ thương mại; trong đó, có việc nhập heo sống từ Thái Lan về.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định thị trường…

Người dân mua sắm tại Cửa hàng Phượng Hóa (Gia Nghĩa)

PV: Dự báo trong những tháng cuối năm, CPI của tỉnh sẽ có biến động như thế nào? Ông có thể cho biết những giải pháp điều hành thị trường cụ thể?

Ông Phan Văn Hoàng: Tuy đã có những biến chuyển tích cực nhưng CPI bình quân 9 tháng năm 2020 vẫn tăng 3,57%. Trong những tháng tới, dự báo CPI của tỉnh sẽ tăng nhẹ so với tháng trước.

Theo phân tích của Cục Thống kê, một số yếu tố sẽ “đẩy” CPI trong những tháng tiếp theo lên cao. Cụ thể, trong tháng 10/2020, sự điều chỉnh tăng giá xăng, dầu các loại vào ngày 12/10/2020 sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông tăng lên. Giá gas tăng bình quân 6.000 đồng/bình vào những ngày đầu tháng 10 sẽ góp phần làm tăng nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão và Đắk Nông đang vào mùa mưa nên giá của phần lớn các loại rau, củ, quả đều tăng…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá thịt lợn, giá gạo có thể tiếp tục giảm xuống, góp phần ổn định lạm phát. Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh và mưa nhiều cũng đã làm cho sản lượng tiêu thụ điện, nước giảm theo.

Tình hình những tháng cuối năm sẽ còn nhiều thay đổi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm, nhất là về các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng cao. Yêu cầu đặt ra vẫn là tiếp tục tìm giải pháp và tận dụng những “dư địa” còn lại để khống chế chỉ số giá ở mức thấp nhất.

Cùng với đó, các sở, ngành và địa phương sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh theo dõi diễn biến cung - cầu hàng hóa, giá cả, rà soát các biến động trên địa bàn. Từ đó chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các nguồn hàng, kịp thời bình ổn thị trường...

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng “dư địa”, khống chế CPI ở mức thấp nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO