Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt: Giải pháp cần thiết để gia tăng giá trị sản xuất

Văn Tâm| 26/08/2015 10:51

Hiện nay, lĩnh vực trồng trọt chiếm giá trị lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, giá trị của lĩnh vực này năm 2014 đạt 88,48%, làm giảm tăng trưởng chung của ngành nông lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh.

ADQuảng cáo

Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp - PTNT đã phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tái canh và áp dụng KHKT chăm sóc cà phê theo hướng an toàn sinh học là mắt xích quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt của tỉnh. Ảnh: Quang Vũ

Mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất các sản phẩm chủ lực quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi căn bản từ khâu giống, sử dụng giống chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt được thực hiện mạnh mẽ trên nhóm cây công nghiệp dài ngày và sản phẩm chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su và điều. Qua đó, công tác tái cơ cấu này không ngoài mục đích tăng thu nhập cho người sản xuất và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế. Nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn...

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) thì định hướng chung của việc tái cơ cấu sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao...

Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, để thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt đạt hiệu quả, trước hết, ngành Nông nghiệp tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp như tổ chức quy hoạch chi tiết phát triển nhóm cây trồng chủ lực (cà phê, hồ tiêu) và quy hoạch chi tiết nông nghiệp cho 8 huyện, thị xã trong tỉnh.

ADQuảng cáo

Ngành cũng sẽ kiện toàn, bổ sung và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về trồng trọt, tổ chức kiện toàn chức năng nhiệm vụ của Chi cục Bảo vệ thực vật về lĩnh vực trồng trọt. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, việc ban hành chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái canh cà phê, khuyến khích doanh nghiệp liên kết trong sản xuất,  xây dựng cánh đồng mẫu lớn có chứng nhận VietGap GlobalGap, 4C, UTZ,… trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh cũng cần được quan tâm hơn.

Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn cần tăng cường hỗ trợ người dân việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây trồng theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh tốt, an toàn cho người sử dụng và môi trường sinh thái.

Được xem là một trong các loại cây chủ lực, cây hồ tiêu cũng cần được quy hoạch ổn định diện tích để thực hiện tái cơ cấu. Ảnh: V.T

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất như trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Công tác kiểm tra chất lượng giống, đặc biệt chú ý đối với giống cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái được sản xuất, nhập khẩu trong tỉnh để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng là việc làm cấp bách và cần thiết.

Để thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt thực sự là bước chuyển đổi gia tăng giá trị và phát triển bền vững, đòi hỏi các cấp, ngành chuyên môn và địa phương cần phải tích cực vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp và cải tiến tổ chức sản xuất phù hợp mới có thể phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt: Giải pháp cần thiết để gia tăng giá trị sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO