Tái canh cà phê - Cần sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ (kỳ 1): Kết quả tái canh đạt thấp

Hồng Thoan| 22/02/2017 10:43

Tái canh cà phê được xem là một hoạt động có tính tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, qua quá trình tái canh ở các địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng đang bộc lộ nhiều thách thức, bất cập cần sự vào cuộc quyết liệt và giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành giúp nông dân có hướng đi, cách làm phù hợp.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Đức Minh (Đắk Mil) tưới nước cà phê tái canh mùa khô 2017. Ảnh: Lê Phước

* Dù đã tiến hành chương trình tái canh cà phê nhiều năm qua nhưng đến nay kết quả đạt được vẫn còn khá thấp

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp - PTNT, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Đắk Nông có 125.615 ha cà phê, trong đó diện tích kinh doanh 112.990 ha, năng suất bình quân đạt hơn 2,2 tấn/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 250.000 tấn. Về cơ cấu diện tích tập trung thuộc các hộ tư nhân chiếm trên 85% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh, quy mô bình quân mỗi hộ khoảng 0,8 ha, phần lớn là các giống cũ, giống thực sinh đã được trồng lâu năm.

Với chức năng của mình, những năm qua, Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh phối hợp với Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai việc cung cấp hạt giống cho các địa phương.

Trong giai đoạn 2012 - 2015,  Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã hỗ trợ cho toàn tỉnh 3.000 kg hạt giống gieo ươm và 48.000 cây giống cà phê TRS1. Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã kết hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức sản xuất và hỗ trợ kinh phí cây giống  gồm giống thực sinh, giống ghép cung cấp cho nông dân với tổng số 1.549.884 cây giống. Giai đoạn 2012- 2015, toàn tỉnh đã tái canh được 6.673,17 ha/20.512,97 ha, đạt 32,53% so với kế hoạch.

Bên cạnh việc tái canh bằng hình thức trồng cây con, việc thực hiện ghép cải tạo được người dân quan tâm thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: Ghép cải tạo đồng bộ trên toàn vườn hoặc ghép cải tạo những cây xấu trong vườn. Nguồn chồi ghép TR4, TR9, TR11 của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong giai đoạn đã triển khai ghép cải tạo được 796,20 ha/9.525 ha, đạt 8,36% so với kế hoạch, trong đó các huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp là hai địa phương đi đầu trong ghép cải tạo.

ADQuảng cáo

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil thì giai đoạn 2011-2015, toàn huyện đã tái canh được hơn 2.900 ha trong tổng số 7.640 ha cà phê cần tái canh đến năm 2020. Qua đánh giá cho thấy thực tế việc tái canh có tác dụng lớn trong việc giúp nhà nông cải tạo vườn cây, nhiều vườn khi tái canh đã nâng cao năng suất lên so với trước từ 20-30%. Tuy nhiên so với nhu cầu trên thực tế của nhà nông thì chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ.

Toàn huyện Đắk Mil đã tái canh được hơn 2.900 ha/7.640 ha cà phê cần thực hiện

Đánh giá về chương trình tái canh, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã giúp nông dân tiếp cận được kỹ thuật tái canh, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh vào “trẻ hóa” vườn cây. Nhiều nơi, nông dân đã từng bước làm quen với sản xuất cà phê theo hướng bền vững cũng như các tiêu chuẩn sản xuất cà phê như 4C, UTZ, Fairtrade.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực hiện chương trình tái canh còn gặp một số khó khăn, bất cập. Ngoài hai địa phương triển khai tái canh với diện tích đạt khá như huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp, các huyện, thị còn lại triển khai chậm.

Nguyên nhân là do nhận thức của cả chính quyền địa phương, nông dân chưa đầy đủ về chương trình nên chỉ đạo không quyết liệt, triển khai chưa đồng bộ, nhiều nơi có tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Không ít địa phương, việc đánh giá, rà soát diện tích cần tái canh không sát đến từng hộ nên việc xây dựng kế hoạch không đúng với thực tế...

Ngày 8/1/2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch triển khai phương án tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phấn đấu tái canh hơn 22.099 ha theo 2 hình thức gồm: Trồng tái canh hơn 13.369 ha và ghép cải tạo hơn 8.729 ha.

Mục đích của kế hoạch là tập trung cải tạo, tái canh, trồng mới thay thế diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh nặng bằng các giống cà phê cao sản với năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng huyện, thị xã. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh nâng năng suất trung bình cà phê lên mức 2,8-3 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đón đọc kỳ 2: Thách thức về chất lượng cây giống

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái canh cà phê - Cần sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ (kỳ 1): Kết quả tái canh đạt thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO