Tác hại của việc chọn trụ hồ tiêu không bảo đảm

Thah Nga| 08/03/2016 09:42

Nhiều hộ vì thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật đã lấy các loại tre, nứa, tận dụng cây cao su sống… để làm trụ trồng hồ tiêu. Cách chọn trụ không phù hợp này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cây hồ tiêu kém phát triển, dễ bị sâu bệnh.

ADQuảng cáo

Mùa mưa năm 2015, gia đình anh Điểu Nauh ở thôn 4, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) đã trồng 400 trụ hồ tiêu. Trước phong trào “nhà nhà trồng hồ tiêu”, anh cũng đã tìm mọi cách xoay xở trồng cho bằng được với hy vọng vài năm nữa kinh tế sẽ đỡ hơn.

Vườn hồ tiêu trồng bằng tre nứa của hộ anh Điểu Nauh ở thôn 4, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) phát triển kém

Anh Điểu Nauh chia sẻ: “Dây hồ tiêu thì tôi chủ yếu đi xin của những người bà con ở tận huyện Đắk Song về trồng. Nhà thiếu vốn nên gia đình huy động mọi người vào rừng chặt tre về làm trụ để hồ tiêu leo”.

Đến thời điểm này, vườn hồ tiêu của anh Điểu Nauh đã có trên 100 trụ bị chết, số còn lại phát triển yếu; cây thấp, lá vàng và ít đọt. Tìm hiểu ra, anh mới biết nguyên nhân ngoài do bón ít phân, thiếu nước tưới thì còn do trụ tiêu bằng tre nên cây khó bám rễ dẫn đến phát triển chậm, bị chết. Thiệt hại về kinh tế thì đã rõ. Gia đình anh chỉ mới thay được hơn 100 trụ gỗ và đang tiếp tục tìm cách để thay thế hết số trụ tre còn lại cho cây hồ tiêu phát triển.

Phong trào trồng hồ tiêu ồ ạt đã dẫn đến giá các loại trụ tăng cao. Một trụ bê tông giá trên thị trường tầm 200.000 đồng, trụ gỗ tốt khoảng 300.000 đồng. Các loại cây sống được trồng để làm trụ hồ tiêu lên đến vài chục ngàn đồng. Như vậy, với diện tích 1 ha cần 1.000 trụ thì mỗi gia đình trồng hồ tiêu riêng tiền trụ gỗ đã lên đến khoảng 200 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Giá trụ để trồng hồ tiêu tăng cao nên người dân tận dụng nhiều loại cọc, cây tạp nham và không phù hợp với cây hồ tiêu. Ngoài ra, những năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp trong khi đó giá hồ tiêu cao nên nhiều hộ dân ở huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Tuy Đức… đã tận dụng cây cao su sống để làm trụ trồng hồ tiêu.

Mùa mưa vừa rồi, gia đình ông Bùi Ngọc Thịnh ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cũng đã bỏ gần 1 ha cao su và tận dụng chính cây này để làm trụ cho hồ tiêu. Cũng như ông Thịnh, các hộ dân khác trong vùng chặt cành, hãm ngọn cao su để lấy thân làm trụ sống trồng hồ tiêu với mục đích giảm chi phí mua trụ, xây trụ.

Theo những chuyên gia về nông nghiệp thì cây cao su sau khi bị chặt bớt rễ, cắt cành, tỉa ngọn sẽ mất sức rất nhiều và dễ bị nhiễm các loại bệnh xâm nhập thông qua các vết cắt, chặt. Thực tế, nông dân thường chặt cao su vào mùa mưa để nhân tiện trồng hồ tiêu luôn dẫn đến nước mưa thấm vào các vết thương của cây cao su gây nên tình trạng thối tại các vết hở và dễ bị chết. Cây cao su sau khi bị chết sẽ bị tuột lớp vỏ và kéo theo dây tiêu cũng bị rơi xuống.

Cao su còn có đặc điểm thuộc loại gỗ nhẹ, hay bị mối và khi đã khô thường dễ bị đổ ngã. Trong khi đó, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với nấm bệnh, trong đó có nấm phytophthora, tác nhân gây ra bệnh chết nhanh. Bên cạnh đó, cây cao su là cây ưa thoáng ở gốc, nếu cho vào dây tiêu phát triển kín phía dưới sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh rất cao.

Do vậy, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó có hồ tiêu. Chú trọng hướng dẫn kỹ thuật trồng hồ tiêu, trong đó cần quan tâm tư vấn nông dân chọn trụ cho cây hồ tiêu phù hợp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác hại của việc chọn trụ hồ tiêu không bảo đảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO