Sử dụng vật liệu không nung: Chưa theo kịp lộ trình

Hà An| 26/04/2016 09:29

Ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/TT-BXD hướng dẫn triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liệu xây không nung (Thông tư 09). Đây được xem là cơ sở để từng bước xóa bỏ các lò gạch đất sét nung, xác lập hệ thống cơ sở sản xuất gạch không nung nhằm bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

ADQuảng cáo

Đối với Đắk Nông, do thời điểm Thông tư của Bộ Xây dựng có hiệu lực thi hành (đầu năm 2013), trên địa bàn chưa có cơ sở sản xuất gạch không nung nên được điều chỉnh lộ trình áp dụng chậm 1 năm, tức là qua năm 2014. Từ đó đến nay, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành chức năng nhưng việc sử dụng vật liệu xây không nung vẫn chậm hơn rất nhiều so với lộ trình đề ra.

Cung chưa đủ cầu

Theo Thông tư 09 thì các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu không nung đúng lộ trình. Cụ thể, tại các đô thị loại III trở lên, kể từ năm 2014, phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây dựng công trình. Tuy không thuộc phạm vi bắt buộc nhưng đối với các công trình dân dụng, công trình có nguồn vốn đầu tư khác, Bộ Xây dựng cũng khuyến khích chủ đầu tư sử dụng vật liệu xây không nung.  

Trên cơ sở đó, năm 2014, Đắk Nông bắt đầu thực hiện lộ trình và đến nay bình quân cũng mới chỉ đạt khoảng 30% khối lượng xây dựng thuộc các công trình có nguồn vốn đầu tư nhà nước sử dụng vật liệu xây không nung. Kể cả địa bàn thị xã Gia Nghĩa, mặc dù là đô thị loại III, theo lộ trình thì năm 2014, 100% công trình phải sử dụng vật liệu xây không nung nhưng đến nay mới đạt hơn 30%.

Cụ thể, trong năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 70 công trình có nguồn vốn nhà nước sử dụng khoảng 14 triệu viên gạch không nung; năm 2015 có 63 công trình sử dụng khoảng 12 triệu viên gạch không nung, khối lượng còn lại vẫn chủ yếu sử dụng gạch nung truyền thống. Nguyên nhân tỷ lệ các công trình xây gạch không nung thấp một phần là do những năm đầu thực hiện, các dự án được phê duyệt thiết kế, dự toán vào thời điểm trước năm 2014 nên chủ đầu tư, đơn vị thiết kế chưa đưa hạng mục gạch không nung vào dự toán.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn do hiện nay, việc cung cấp vật liệu gạch không nung bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có duy nhất 1 cơ sở sản xuất gạch không nung tại huyện Đắk R’lấp  đáp ứng đủ yêu cầu chất lượng theo quy định nhưng công suất tối đa cũng chỉ đạt 16,5 triệu viên/năm. Với số lượng này, theo tính toán cũng chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu hiện nay chứ chưa nói đến sau này.

ADQuảng cáo

Để có gạch không nung, chủ đầu tư phải mua từ các tỉnh, thành khác nên giá thành rất cao. Hiện mỗi viên gạch không nung 4 lỗ, có giá tới 16.000 đồng, cao gấp đôi so với gạch đất sét nung kích cỡ tương tự. Vì giá thành cao cộng với cung không đủ cầu nên chủ đầu tư rất ngại khi đưa vật liệu này vào xây dựng do đội giá thành và bị động trong khâu cung ứng. Từ đây, mặc dù quy định thì gần như bắt buộc nhưng cơ quan nhà nước vẫn phải “làm lơ” đối với các chủ đầu tư chưa áp dụng nghiêm vì sản phẩm đầu vào không đáp ứng được.

Thiếu cơ chế ràng buộc

Thông tư 09 đã nêu rõ, các công trình có nguồn vốn nhà nước phải chấp hành tỷ lệ, khối lượng xây gạch không nung đúng quy định theo lộ trình đề ra. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo, vận động các chủ đầu tư công trình sử dụng gạch không nung chứ chưa có các cơ chế ràng buộc hay nói cách khác là bắt buộc.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện đúng lộ trình, nhà nước chỉ cần áp tỷ lệ khối lượng cho từng công trình theo thông tư hướng dẫn. Nếu đơn vị nào không thực hiện thì sẽ không thanh toán, quyết toán khối lượng. Bên cạnh đó, ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch không nung, quá trình lập dự toán công trình có nguồn vốn đầu tư nhà nước, chúng ta nên có cơ chế hỗ trợ về giá ở mức độ phù hợp trong điều kiện vật liệu xây không nung cao như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thiện Thanh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thì hiện, UBND tỉnh đã cho chủ trương xây dựng thêm 2 cơ sở sản xuất gạch không nung tại địa bàn huyện Krông Nô và Đắk Glong. Nếu 2 cơ sở này được đầu tư, đi vào hoạt động thì sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu theo lộ trình đề ra. Thế nhưng, dự án cũng mới chỉ dừng lại ở chủ trương, khi nào đi vào thực hiện thì chưa biết.

Để “đuổi kịp” lộ trình sử dụng gạch không nung, vấn đề trước mắt là chúng ta phải giải quyết được nguồn cung đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn. Khi vấn đề này được thực hiện thì việc áp dụng các cơ chế ràng buộc là hoàn toàn có tính khả thi.

Thông tư 09/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định vật liệu xây không nung bao gồm: Gạch xi măng - cốt liệu; vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp); tấm tường thạch cao, tấm 3D; gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...). Các sản phẩm vật liệu không nung trên phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng vật liệu không nung: Chưa theo kịp lộ trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO