Sử dụng thuốc diệt cỏ đúng cách giúp nhà nông được lợi nhiều mặt

Hồng Thoan| 16/09/2020 09:57

Nhiều nông dân cho biết, việc hạn chế, sử dụng đúng cách thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài.

ADQuảng cáo

Bảo vệ sức khỏe, môi trường

Anh Chảo Phu Nhân, thôn 4, xã Đắk Ha (Glong) có 3 sào lúa, sản xuất vào vụ đông xuân và hè thu. Trước đây, anh từng sử dụng thuốc diệt cỏ trong canh tác lúa, với tần suất khoảng 4 lần trong vụ. Nhưng 5 năm nay, anh đã giảm xuống, chỉ xịt thuốc cỏ 1 lần/vụ.

Anh Chảo Phu Nhân, thôn 4, Đắk Ha (Đắk Glong) đã hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ trong trồng lúa

Lý giải điều này, anh Nhân cho rằng, mỗi lần xịt thuốc diệt cỏ cho lúa, anh cảm thấy người mệt mỏi,  cổ họng nóng rát tới mấy ngày sau. Nhận thấy thuốc diệt cỏ không tốt cho sức khỏe, nên anh bỏ dần đi. Để hạn chế cỏ cho cây trồng, anh làm đất kỹ càng hơn, dọn sạch cỏ bằng thủ công. "Ít sử dụng thuốc diệt cỏ, mình thấy sức khỏe tốt hơn”, anh Nhân cho biết.  

Từ nhiều năm nay, gia đình bà Hồ Thị Công, thôn Đức Hòa, xã Thuận An (Đắk Mil), cũng không sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất 3 ha cà phê. Theo bà Công, thực tế mùa nắng hạn cỏ mọc chậm thì việc cắt, cuốc cỏ khá dễ dàng, nhưng mùa mưa công cắt cỏ khá nhiều.

Thường mỗi mùa mưa phải cắt cỏ 3 lần cho cà phê, trong khi đó để làm sạch vườn chỉ cần một lần xịt thuốc, nhưng bà vẫn chọn cách cắt cỏ. Bởi vì xịt thuốc cỏ xuống vườn, được vài năm cây cối sẽ kém phát triển, chai đất và người lao động cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, lạm dụng thuốc cỏ dễ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, không an toàn cho người tiêu dùng. "Thà mình bỏ công ra nhiều hơn để đổi lấy cái lợi lâu dài cho sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng”, bà Công cho biết.

Gia đình bà Hồ Thị Công, xã Thuận An (Đắk Mil) không sử dụng thuốc cỏ trong canh tác 3 ha cà phê mà chỉ cuốc cỏ

ADQuảng cáo

Bên cạnh những người như anh Nhân, bà Công, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp lạm dụng thuốc trừ cỏ. Trên các cánh đồng, người ta thường thấy các loại chai lọ thuốc diệt cỏ được bỏ lại sau khi sử dụng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do đó, để hạn chế tình trạng này, ngoài việc cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thì chính người dân cũng cần tự nâng cao ý thức, tìm hiểu, nắm bắt kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn, không lạm dụng, hoặc sử dụng thuộc diệt cỏ tùy tiện.

Ngày 20/9/2019, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã ban hành Thông tư số 10 về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, thuốc trừ cỏ được phép sử dụng gồm 235 hoạt chất, với 659 tên thương phẩm, cấm sử dụng 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ có tên chung: 2.4.5 T; các tên thương phẩm: Brochtox,dacamine,Veon (dạng bình xịt và dạng khác).

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, những năm gần đây, các hộ dân, chủ trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã dần hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ. Đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về canh tác an toàn với môi trường, nông sản qua việc xây dựng các mô hình, các lớp tập huấn kỹ thuật.

Chai thuốc trừ cỏ vứt lại trên nhiều đồng ruộng (ảnh chụp tại xã Đắk Ha-Đắk Glong tháng 2/2020)

Về phía người dân, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc trừ cỏ nói riêng, cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Người dân chỉ nên sử dụng thuốc diệt cỏ khi thật sự cần thiết, lựa chọn những loại có tính chọn lọc, độ độc thấp, có nguồn gốc, có hạn sử dụng và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bà con có thể lựa chọn cách thức thay thế các sản phẩm có gốc hóa học bằng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, ngoài vai trò của ngành chức năng thì chính quyền, các ngành, đoàn thể cơ sở cũng cần có sự chung tay giám sát trong cộng đồng dân cư về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ. Cơ quan chức năng cũng cần phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng, gây hại cho môi trường để tạo tính răn đe, giáo dục cho xã hội. Ngoài ra, các mô hình hay, hiệu quả về sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường trong nông nghiệp cũng cần được nhân rộng để người dân trong tỉnh học tập, làm theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng thuốc diệt cỏ đúng cách giúp nhà nông được lợi nhiều mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO