Sớm khắc phục những “điểm yếu” trong phát triển kinh tế

Bình Minh| 25/09/2014 10:55

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong 8 tháng qua, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn nhiều “điểm yếu” cần sớm khắc phục. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư vẫn còn rất chậm, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng.

ADQuảng cáo

Một trong những “điểm yếu” lớn nhất trong phát triển kinh tế của tỉnh hiện nay là việc triển khai vốn đầu tư xây dựng còn rất chậm. Trong năm 2014, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển do tỉnh quản lý là 1.567 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã giao 1.429 tỷ đồng (không bao gồm ngân sách cấp huyện, thị xã).

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn gặp khó khăn do thiếu vốn và thị trường tiêu thụ

Tuy nhiên, trong 8 tháng, các ngành, địa phương mới giải ngân được hơn  738 tỷ đồng, đạt hơn 51% kế hoạch giao. Cụ thể, vốn cân đối ngân sách địa phương  ước mới giải ngân được gần 140 tỷ đồng, đạt 31,6% kế hoạch. Vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương ước mới giải ngân được hơn 224 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch.

Nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ước giải ngân được gần 32 tỷ đồng, đạt 41,2% kế hoạch. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được 225 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch. Việc tiến hành giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển chậm đã khiến cho nhiều chương trình, dự án ì ạch về tiến độ thi công.

Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, đối với những nguồn vốn mà nếu đến hết năm 2014 chưa triển khai được hoặc triển khai chậm thì phải chuyển nguồn sang năm 2015. Việc chuyển nguồn này sẽ ảnh hưởng đến số vốn đầu tư được phân bổ mới trong năm 2015, vì có thể bị cắt giảm. Vì thế, ngay từ bây giờ, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt để các ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai khác nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, tránh tình trạng bị chuyển nguồn.  Cũng theo đánh giá thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất và thị trường xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng.

Tại Hội nghị trực tuyến với UBND các huyện thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Diễn cũng cho rằng, có một nghịch lý là hiện nay, ngân hàng thì thừa rất nhiều tiền nhưng doanh nghiệp, người dân là thiếu vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Vì thế, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần sớm tổ chức các buổi đối thoại giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh để các bên cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm “khai thông dòng vốn”.  

ADQuảng cáo

Được biết, trong những tháng qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tuy có “hạ nhiệt” so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp. Trong 8 tháng, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý ở lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng là hơn 250 vụ, làm thiệt hại 112 ha rừng. Tuy nhiên, theo đánh giá thì đây mới chỉ là những vụ việc được phát hiện, lập biên bản còn trên thực tế số vụ, cũng như diện tích rừng bị phá còn lớn hơn rất nhiều. Theo phản ánh của các huyện thì hiện nay, nhiều công ty TNHH MTV lâm nghiệp hoạt động rất cầm chừng nên tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm, tranh giành đất rừng diễn ra khá phổ biến.

Ông Ngô Xuân Lộc, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Trên địa bàn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Lập hiện nay gần đây gần như không hoạt động để mặc cho người dân phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp”.

Hiện tại, tỉnh đang triển khai các giải pháp để tiến hành cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên tiến độ còn rất chậm. Một vấn đề bất cập nữa trong công tác lâm nghiệp, đó là đến nay, nhiều doanh nghiệp phải trồng lại rừng thay thế do trong quá trình triển khai các dự án thủy điện làm mất rừng nhưng trên thực tế gần như không triển khai. Theo thống kê, các đơn vị phải trồng rừng thay thế theo quy định là 1.913 ha. Thế nhưng, hiện tại số diện tích rừng trồng lại mới được 119 ha, đạt 6,2% kế hoạch. Trong khi đó, nhiều diện tích trong số 119 ha hiện nay chỉ là đất trống do cây rừng bị chết.

Hàng ngàn ha rừng tự nhiên giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (Đắk Song) quản lý, bảo vệ bị tàn phá

Cũng liên quan đến công tác lâm nghiệp, việc xử lý dứt điểm diện tích có nguồn gốc phá rừng phá rừng đối với diện tích 65.057 ha hiện nay vẫn còn triển khai chậm và gặp khá rất nhiều khó khăn. Bởi số diện tích này trên thực tế hiện nay đã bị người dân xâm chiếm trồng các loại cây công nghiệp dài ngày đã nhiều năm nay.

Vì thế, việc xử lý như thế nào đó cho hợp lý, tránh gây thiệt hại lớn cho người dân đang được Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng đề án triển khai hiện vẫn đang lấy ý kiến đóp góp của các ngành, địa phương có liên quan. Do đó, thời gian xử lý số diện tích này theo chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ bị kéo dài so với dự kiến.  

Có thể nói, các “điểm yếu” trên hiện đang khiến cho nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế bị ảnh hưởng theo. Do vậy, để đạt được mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế, xã hội thì trong những tháng còn lại của năm 2014, các ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp đối với những lĩnh vực này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm khắc phục những “điểm yếu” trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO