“Số hóa” hạ tầng thương mại

Lê Dung| 01/02/2023 14:02

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân, Ðắk Nông đang huy động nhiều nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng thương mại, góp phần thay đổi diện mạo thị trường và văn hoá tiêu dùng trong Nhân dân.

ADQuảng cáo

Xu hướng kinh doanh hiện đại

Siêu thị Co.opmart Đắk Nông là một trong những dự án đầu tư đầu tiên của tỉnh về hạ tầng thương mại hiện đại. Đi vào hoạt động tháng 7/2015, Siêu thị có diện tích sử dụng hơn 4.500 m2, với khu tự chọn kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình.

Hơn 7 năm đi vào hoạt động, Co.opmart Đắk Nông đã giúp người dân có thêm một địa chỉ mua sắm hàng hóa tin cậy, với xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý và chất lượng tốt.

Cùng với hệ thống Co.opmart cả nước, Co.opmart Đắk Nông là điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ cho người dân tỉnh Đắk Nông và các khu vực lân cận, với cơ cấu hàng Việt chiếm hơn 90%.

Trong đợt làm việc mới đây với UBND tỉnh Đắk Nông, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, trong giai đoạn 2022-2025, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát và đề xuất nghiên cứu đầu tư các mô hình bán lẻ phù hợp.

Trong đó, Saigon Co.op rất chú trọng vào các thị trường trọng điểm Đắk Nông như: TP. Gia Nghĩa, Đắk Mil, Cư Jút. Riêng Co.opmart Đắk Nông sẽ được đầu tư, cải tạo thêm cho khang trang, hiện đại, thu hút và thuận tiện hơn cho khách hàng khi tới mua sắm.

Mô hình kinh doanh hiện đại giúp người tiêu dùng mua sắm thuận tiện

Nhận thấy tiện ích và sức hút kinh doanh từ mô hình siêu thị mang lại, những năm qua, nhiều cửa hàng, tạp hóa trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp và đổi mới hình thức kinh doanh theo mô hình siêu thị thu nhỏ, cửa hàng tiện lợi.

Trong đó, hàng hóa được bày bán theo nhóm hàng, có niêm yết giá, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận mô hình thương mại văn minh, hiện đại.

Cùng với hệ thống thương mại truyền thống, thời gian qua, các kênh mua sắm trực tuyến trên địa bàn tỉnh đang được đẩy mạnh. Xu hướng mua sắm mới này đang đưa người tiêu dùng đến với nhiều lựa chọn hấp dẫn, đa dạng về cả sản phẩm và dịch vụ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.098 sản phẩm được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), với tổng số 17.993 lượt giao dịch. Tổng số hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số là hơn 120.000 hộ, đạt 72%.

Đắk Nông đang có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT, mạng xã hội và các ứng dụng đi động như: lazada, shopee, sendo, facebook, zalo…

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 46 chợ, 2 siêu thị đang hoạt động (trong đó có 1 siêu thị hạng 2 tại TP. Gia Nghĩa; 1 siêu thị hạng 3 nằm trong khu phức hợp tại huyện Cư Jút); Trung tâm thương mại tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1; Trung tâm thương mại tại huyện Đắk Mil đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng.

Đầu tư đồng hộ về hạ tầng

Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu giá trị tăng thương mại đạt tốc độ bình quân khoảng 9-10%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

ADQuảng cáo

Đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh tăng trưởng trên 9%; phát triển thương nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa tăng trung bình từ 8-10%/năm.

Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng bình quân từ 20-21%/năm.

Đắk Nông phấn đấu đạt trên 40-45% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn TMĐT trong và ngoài nước.

Xa hơn nữa, đến năm 2045, Đắk Nông sẽ hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Trong đó, 100% hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành theo công nghệ hóa, hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển đầy đủ theo quy hoạch.

Đắk Nông đang có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử

Các loại hình như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại sẽ chiếm đa số, chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hóa trên thị trường.

Cùng với đó, tận dụng lợi thế biên giới, Đắk Nông còn chú trọng phát triển hạ tầng thương mại tại các cửa ngõ, cửa khẩu giáp ranh với nước bạn Campuchia.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 cơ sở hạ tầng thương mại biên giới sẽ phát triển đồng bộ với kế hoạch phát triển các cửa khẩu. Hệ thống giao thông, trạm kiểm soát liên hợp, trụ sở làm việc và nhà ở công vụ cho các lực lượng quản lý nhà nước sẽ được đầu tư, nâng cấp.

Các chợ cửa khẩu, trung tâm thương mại, bến bãi tập kết phương tiện và hàng hóa, kho ngoại quan, kho đông lạnh, cửa hàng miễn thuế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm… được tỉnh khuyến khích, thu hút đầu tư.

Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của cửa khẩu Đắk Peur, cửa khẩu BuPrăng và các lối mở biên giới. Các chợ biên giới tiếp tục được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, đáp ứng nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.

Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu cho việc đầu tư hạ tầng thương mại khu vực cửa khẩu Đắk Peur và xây dựng các chợ biên giới như: Thuận Hạnh, Thuận Hà (Đắk Song); Đắk Lao, Thuận An (Đắk Mil); nâng cấp chợ xã Đắk Wil (Cư Jút); xây dựng siêu thị hạng 2 tại cửa khẩu Đắk Peur, Bu Prăng.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho biết, ngành Công thương tiếp tục tham mưu cho tỉnh về việc ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển thị trường của địa phương, trong từng giai đoạn.

Đồng thời, tích cực áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành hoạt động thương mại, giúp cho khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động.

Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu đóng góp của hoạt động thương mại chiếm khoảng 15-15,5% vào GDP của toàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 8-9%/năm.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Số hóa” hạ tầng thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO