Sản xuất gạch xây dựng trước lộ trình chuyển đổi (Kỳ 2): Lò gạch thủ công chưa sẵn sàng chuyển đổi

Phan Tuấn| 21/09/2016 10:44

Khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu và cả thị trường đầu ra đã khiến cho nhiều lò gạch thủ công, lò đứng liên tục chưa thể chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung hoặc gạch tuynel mà vẫn cố gắng cầm cự, sản xuất theo kiểu cũ.

ADQuảng cáo

“Đếm ngược ngày dừng hoạt động”

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch thủ công và lò đứng liên tục trên địa bàn tỉnh đều đã nắm được chủ trương và lộ trình xóa bỏ của tỉnh.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư lớn, nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu không nung tại chỗ không có, phải mua từ xa, đội chi phí lên nhiều lần… nên các chủ cơ sở lò gạch thủ công, lò đứng liên tục chỉ biết “đếm ngược ngày dừng hoạt động”, chứ không thể đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.

Bà Trương Thị Nga, chủ một lò gạch thủ công ở tiểu khu 501, thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào đất sét nên khoảng 10 năm về trước đã sử dụng nguồn đất sét này để sản xuất gạch xây dựng. Qua thời gian, nghề nung gạch đã trở thành cái nghiệp, là kế sinh nhai của cả gia đình”.

Theo bà Nga, hiện nay, lò gạch của gia đình bà có công suất 80.000 viên/tháng, với công nghệ dùng củi để nung, nên việc phải đóng cửa là điều tất nhiên. Điều khiến bà cũng như nhiều chủ lò gạch thủ công khác ở đây lo lắng nhất là họ đang vay vốn của ngân hàng để đầu tư máy móc, nguyên liệu, nhưng giờ vẫn chưa trả được nợ. Vì vậy, những người làm gạch kiến nghị tỉnh nên lùi lộ trình thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công ít năm nữa để có thể thu hồi được vốn.

Những lao động ở các cơ sở sản xuất gạch thủ công đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp

Theo ông Phạm Đình Thành, chủ lò đứng liên tục, cũng ở tiểu khu 501 thì phần đất đai lò gạch gia đình ông đang sản xuất chủ yếu là đất hoang hóa, thường xuyên ngập úng, không trồng được bất cứ loại cây trồng gì. Sau khi thấy một số người tiên phong làm gạch thì huyện đã khuyến khích người dân ở đây nên làm gạch để khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, chống lãng phí.

Thế nhưng, giờ đây tình thế đã đổi khác, gia đình ông được biết cuối năm  2017, tỉnh sẽ không cho lò gạch thủ công hoạt động nữa. Vì vậy, gia đình ông quyết định vay mượn ngân hàng, bà con gần 2,5 tỷ đồng để mua sắm dây chuyền, xây dựng lò đứng liên tục, vì loại lò này còn hoạt động đến năm 2020 theo quy định của tỉnh. Chi phí đầu tư lò đứng này cũng khá cao, chưa biết có lấy lại được vốn hay không, nhưng giờ ngoài nghề làm gạch ra, gia đình ông không biết làm gì để sống, “còn nước thì còn tát” vậy.

Sở dĩ gia đình ông không đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung là vì ở địa phương này không có cát, đá - những nguyên liệu cần thiết để làm. Còn nếu mua ở xa đưa về thì chi phí sẽ bị đội lên, không thể cạnh tranh được với thị trường. Đặc biệt, việc xây dựng nhà máy gạch không nung cũng phải có nguồn vốn đến 7 tỷ đồng, nên gia đình ông không thể kham nổi.

ADQuảng cáo

Tìm hiểu thực tế được biết, nghề sản xuất gạch thủ công được xem là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở các huyện Chư Jút, Krông Nô từ nhiều năm qua, đáp ứng một phần lớn nhu cầu gạch xây dựng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, mặc dù thời điểm chuyển đổi sang sản xuất vật liệu không nung, hoặc lò gạch tuynel đang cận kề, nhưng hầu hết các lò gạch thủ công trên địa bàn các huyện vẫn chưa sẵn sàng vì thiếu vốn.

Theo nhiều chủ lò gạch, sau khi nắm được chủ trương của tỉnh thì họ đã đi tham quan những mô hình sản xuất gạch không nung ở trong và ngoài tỉnh, nhưng kinh phí đầu tư cho dây chuyền sản xuất này phải từ 7 -10 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, người dân ở đây không thể nào xoay xở nổi, nên có thể sẽ bỏ nghiệp làm gạch đã gắn bó nhiều năm nay.

Người lao động lo lắng

Mặc dù công việc nặng nhọc, vất vả, nhưng tại các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vẫn “hút” rất nhiều lao động vào đây làm việc.

Có mặt tại lò gạch Tân Tiến, ở tổ dân phố 4, thị trấn Ea T’ling, chúng tôi chứng kiến 5 lao động đang bốc gạch lên xe ô tô. Theo người phụ trách lò gạch thì mỗi ngày ở đây luôn có khoảng 15 lao động làm việc ở nhiều công đoạn khác nhau. Trước khi vào làm việc ở đây, họ là những lao động không có công ăn việc làm ổn định, nhưng hiện nay ngày nào họ cũng có việc để làm với thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Anh Y Nên, một người thợ nói: “Trước đây, mình cứ làm thuê, nay đây mai đó nên thu nhập không ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi được lò gạch Tân Tiến tạo công ăn việc làm, cuộc sống đã có phần ổn định”.

Theo anh Y Nên, nay mai lò gạch này sẽ phải dừng hoạt động do công nghệ sản xuất không còn phù hợp với lộ trình của tỉnh đề ra. Nhưng hiện tại, anh chưa được ai tư vấn, hướng nghiệp cho biết phải làm gì khi lò gạch đóng cửa, nên hết sức lo lắng vì nguy cơ thất nghiệp đã ở ngay trước mắt.

Còn tại lò gạch Ngân Phát, chị H’Dem, một người thợ cũng nói: “Từ khi tìm được việc làm ở lò gạch, tuy công việc khá vất vả, nhưng hàng ngày mình đều có việc để làm. Mỗi tháng chí ít tôi cũng được trả lương 5 triệu đồng để trang trải sinh hoạt trong gia đình và nuôi con cái ăn học. Điều tôi lo lắng là mai mốt lò gạch đóng cửa  thì không biết sẽ kiếm việc gì để làm cho ổn định”.

Qua tìm hiểu thực tế thì vấn đề mà các địa phương lo lắng nhất sau khi đóng cửa các lò gạch thủ công là công ăn việc làm của người lao động. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đang có khoảng 1.700 lao động làm việc tại các lò gạch thủ công và lò đứng liên tục. Vì vậy, khi xóa bỏ các lò gạch này thì công tác giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động thì chưa được quan tâm thực hiện. Người lao động rất mong tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Anh Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Jút thì hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 lò đứng liên tục để thay thế cho công nghệ lò nằm đốt củi. Tuy nhiên, hình thức này huyện cũng không khuyến khích vì đến năm 2020, lò đứng liên tục cũng phải ngưng hoạt động. Về phía huyện chỉ khuyến khích các hộ gia đình nên liên kết để thành lập các hợp tác xã, hoặc tổ hợp tác phát triển gạch không nung hay gạch tuynel để phù hợp với lộ trình của tỉnh đề ra cũng như giữ được công ăn, việc làm cho người lao động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất gạch xây dựng trước lộ trình chuyển đổi (Kỳ 2): Lò gạch thủ công chưa sẵn sàng chuyển đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO