Sản xuất gạch xây dựng trước lộ trình chuyển đổi (Kỳ 1): “Xóa sổ” lò gạch thủ công là cần thiết

Phan Tuấn| 19/09/2016 10:15

Theo lộ trình của tỉnh, chỉ trong ít năm nữa, những cơ sở sản xuất gạch theo phương pháp nung thủ công sẽ phải ngừng hoạt động, nhường chỗ cho công nghệ gạch tuynel và gạch không nung. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện lộ trình này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

ADQuảng cáo

Trong quá trình sản xuất, phần lớn các lò gạch nung thủ công, lò đứng liên tục nằm trên địa bàn các huyện Chư Jút, Krông Nô… vẫn xả khói bụi nghi ngút vào không khí.

“Nuốt” đất, gây ô nhiễm môi trường

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay, trên toàn tỉnh hiện có 34 cơ sở sản xuất gạch nung; trong đó, có 29 lò thủ công, 5 lò đứng liên tục. Các cơ sở sản xuất gạch này có tổng công suất 31 triệu viên/năm đối với lò thủ công và 15 triệu viên/năm đối với lò đứng liên tục.

Về nguyên liệu, 34 lò gạch trên cần khoảng 38.000m3 đất sét. Về chất đốt, lò đứng liên tục tiêu thụ 1.200 tấn than, còn lò thủ công cần khoảng 53.000 m3 củi đốt.

Các lò gạch thủ công ở tiểu khu 501 (Chư Jút) vừa tốn đất vừa gây ô nhiễm môi trường

Theo các căn cứ khoa học, tất cả các lò gạch sản xuất kiểu như vậy đều gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường nổi cộm là: Bụi tro, CO, CO2, NO, NO2, SO2,…

Điều đáng nói, lượng khí CO2 thải ra môi trường khi gặp trời mưa sẽ tạo ra axit, gây ô nhiễm môi trường và tác động đến sức khỏe, tài sản của người dân. Một số cơ sở sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn tỉnh nằm xen kẽ trong khu dân cư, không đủ khả năng đầu tư hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn hiện hành, nên sẽ có không ít hộ dân chịu tác động trực tiếp từ việc ô nhiễm môi trường.

ADQuảng cáo

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Thanh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Hiện nay, tất cả các lò gạch thủ công và lò đứng liên tục đều không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định cũng như không phù hợp với quy hoạch phát triển xây dựng của tỉnh. Các lò gạch này không những tiêu tốn đất nông nghiệp mà còn gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Thậm chí, đối với các lò gạch thủ công sử dụng củi đốt còn tiếp tay cho các hành động phá rừng”.

Khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu không nung

Ngày 6/3/2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa lò gạch đất sét nung thủ công.

Thực hiện kế hoạch này, về phía Sở Tài nguyên-Môi trường tham mưu UBND tỉnh không cấp giấy phép khai thác đất sét phục vụ cho các lò gạch thủ công quy mô nhỏ và hộ gia đình. Còn các huyện có sản xuất đất sét nung cần phải thực hiện nghiêm túc lộ trình là đến hết năm 2017 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng lò thủ công, lò thủ công cải tiến. Đến hết năm 2020 sẽ xóa bỏ lò đứng liên tục theo lộ trình mà tỉnh đã phê duyệt.

Theo UBND tỉnh thì việc xây dựng lộ trình phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế đất sét nung nhằm giữ đất canh tác nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm an ninh lương thực địa phương. Mặt khác, việc phát triển vật liệu không nung còn nhằm đến mục đích tận dụng nguồn đá bazan bọt, phế thải bùn đỏ từ sản xuất Alumin, tiết kiệm nhiên liệu than củi, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế chung cho tỉnh…

Như vậy, đến năm 2020, cùng với việc khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển vật liệu xây dựng không nung thì tỉnh chỉ đồng ý cho tồn tại 2 nhà máy sản xuất gạch tuynel với công suất 65 triệu viên và 1 cơ sở sản xuất gạch bằng lò Hoffman cải tiến có công suất 9 triệu viên/năm để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Kỳ 2: Lò gạch thủ công chưa sẵn sàng chuyển đổi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất gạch xây dựng trước lộ trình chuyển đổi (Kỳ 1): “Xóa sổ” lò gạch thủ công là cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO