Sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều thách thức

Lê Dung| 18/07/2019 10:22

Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhưng hoạt động của sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.

ADQuảng cáo

Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trọng yếu. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo: 10,54%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước: 11,13%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: 7,73%.

Sản xuất sản phẩm alumin tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp)

Trong 6 tháng đầu năm, 17/19 sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp tăng mạnh như: Đá xây dựng các loại tăng 15,8%; gỗ cưa xẻ xây dựng cơ bản: 64%; ván MDF: 29%; sản phẩm gỗ gia dụng: 74,9%; điện thương phẩm: 40%; điện sản xuất: 36,7%... Đặc biệt trong kỳ, một số sản phẩm ở lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước như: mủ cao su tăng 80%; hạt điều nhân tăng 80%...

Tuy nhiên, giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp còn chậm, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Việc đổi mới công nghệ có cải thiện nhưng còn chậm. Sản phẩm công nghiệp được sản xuất ra chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế nên chịu ảnh hưởng rất lớn vào biến động giá cả và nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh lại hầu như chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác, để tạo thành chuỗi giá trị phù hợp với cơ chế thị trường. Vì thế, hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp đạt thấp và luôn thiếu tính ổn định. Trong 6 tháng qua, 12/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh không đạt 50% sản lượng so với kế hoạch. Thậm chí một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh đang có sự tăng trưởng thấp so với cùng kỳ.

ADQuảng cáo

Đơn cử như sản phẩm cồn công nghiệp, do giá nguyên liệu tăng cao, nên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sản xuất cồn đang bị cầm chừng. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng cồn chỉ đạt 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 12,17% kế hoạch năm. Hiện tại, doanh nghiệp sản xuất cồn chỉ thực hiện gia công thuê cho một số đơn vị khác để duy trì hoạt động.

Sản xuất cửa nhựa lõi thép tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ân Lâm (Đắk R'lấp)

Thời gian qua, hoạt động thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, nên ít có sản phẩm mới có giá trị cao trên thị trường. Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp cũng đang gặp khó vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trong khi đó, ngân sách bố trí vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển ngành công thương không nhiều.

Đến nay, toàn tỉnh có 2 Khu công nghiệp (KCN) và 4 Cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư. Trong đó, tỷ lệ các dự án lấp đầy tại các KCN đạt trên 86%. Riêng tại các CCN, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư dự án vào rất thấp. Trong đó, 2/4 CCN đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng, nhưng hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp vào thực hiện đầu tư. Còn lại 2/4 CCN khác cũng mới chỉ dừng lại ở việc UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật…

Năm 2019, toàn tỉnh đang phấn đấu đưa chỉ số SXCN tăng 16,02% so với năm trước. Để đạt được kết quả này, cùng với việc khắc phục những hạn chế, ngành Công thương đang tập trung hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp và thương mại trọng điểm trên địa bàn như: Hỗ trợ Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp) trong vận hành, sản xuất sản phẩm alumin theo kế hoạch; tạo điều kiện tốt nhất để Nhà máy điện phân nhôm hoàn thiện và đi vào hoạt động trong đầu năm 2020; hỗ trợ, đôn đốc các dự án điện mặt trời, dự án thủy điện, hạ tầng thương mại để sớm có sản phẩm…

Công tác khuyến công cũng được ngành tăng cường và nâng cao hiệu quả, nhằm kịp thời hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, để nhanh chóng hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO