Quy hoạch tỉnh Ðắk Nông - Ðộng lực để bứt phá (kỳ 2): Những "nút thắt”

Nguyễn Lương| 18/11/2022 09:18

Sự thiếu kết nối, bổ trợ, thiếu tích hợp tổng thể là những vấn đề dẫn đến việc lập quy hoạch tại Đắk Nông trong thời gian qua thiếu tính khả thi. Điều này trở thành “nút thắt” trong quá trình triển khai quy hoạch. Quá trình phát triển kinh tế, xã hội vì thế bị ảnh hưởng rất lớn.

ADQuảng cáo

Chưa tích hợp nhiều lĩnh vực

Thực tế, trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã, đang tồn tại nhiều yếu tố kém hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do trước đây, tỉnh lập quy hoạch từng ngành riêng lẻ, sau đó hợp lại thành quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội toàn tỉnh. Điều này dẫn tới quy hoạch có tính khả thi không cao, thậm chí còn xảy ra nhiều sự chồng chéo.

“Cứ mỗi một ngành làm một bản quy hoạch, sau đó thông qua bộ, ngành một cách chủ quản. Trong quá trình lập quy hoạch không có sự trao đổi, thống nhất. Đến khi thực thi, mạnh ông nào ông ấy triển khai. Do vậy, không thể nào tránh khỏi sự chồng chéo”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Viện phó Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN -PTNT) cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên nêu ví dụ, trong cùng một thời điểm, địa phương đều ban hành nhiều loại quy hoạch như: quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch xây dựng…

Cùng một thời điểm, Đắk Nông ban hành nhiều đồ án quy hoạch mà không có sự thống nhất, nên khi đi vào triển khai bị chồng chéo

Thực tế cho thấy, nhiều quy hoạch được xây dựng chồng chéo, cản trở lẫn nhau. Quy hoạch còn theo nhiệm kỳ, thiếu kết nối, tạo thành lực cản cho sự phát triển của địa phương.

Kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, Trưởng Phòng Quy hoạch II, Viện Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, cũng chung quan điểm. Việc đề ra động lực cho sự phát triển với 3 trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp, du lịch được Đắk Nông định hướng rất sát. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lại phát sinh nhiều hạn chế.

“Cứ mỗi ngành triển khai một kiểu sẽ không khi nào tạo được một cái tổng thể, đặc trưng riêng của Đắk Nông được. Trong khi đó, đối với quy hoạch yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Tất cả phải bổ trợ lẫn nhau, kết nối với nhau để nâng hiệu quả trong quy hoạch”, kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến quy hoạch, tại Kết luận số 87/KL-TTr, ngày 14/5/2020 của Thanh tra tỉnh Đắk Nông nêu rõ: Việc lập quy hoạch tỉnh, cũng như quy hoạch tại Gia Nghĩa thời gian qua thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa UBND TP. Gia Nghĩa với một số chủ đầu tư khác.

Các đơn vị tham gia quy hoạch còn hạn chế về kinh nghiệm. Các quy hoạch được thiết lập thiếu chặt chẽ. Một số chưa đề cập, phân tích, đánh giá triệt để các điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế, xã hội… Từ đây dẫn đến những đề xuất, phương hướng phát triển chưa phù hợp với nguồn lực, cũng như tốc độ phát triển từng giai đoạn.

Nhiều khu vực tại phường Nghĩa Phú, (Gia Nghĩa) chồng chéo giữa quy hoạch cây xanh và quy hoạch 3 loại rừng

Tính khả thi thấp

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm qua, công tác lập quy hoạch nói chung và một số ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng có tính khả thi thấp. Quy hoạch còn theo tính nhiệm kỳ, thiếu kết nối, tạo thành lực cản cho sự phát triển của địa phương.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, Đắk Nông chưa phát huy được vai trò trụ cột về kinh tế do thiếu những điều kiện cần thiết. Trụ cột về khai thác bô xít và nhôm là một ví dụ.

Mặc dù lĩnh vực này đã có những cơ sở khá vững chắc để phát triển, nhưng còn nhỏ và cần được mở rộng về quy mô. Địa phương nên xin cơ chế từ Trung ương để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp bô xít - nhôm phát triển.

Về trụ cột nông nghiệp công nghệ cao cũng tương tự. Lĩnh vực này hiện mới chỉ bước đầu hình thành, chưa phát triển do thiếu vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Việc chưa tạo được cơ sở hạ tầng, bố trí quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đầu ra sản phẩm là cả vấn đề chưa tìm được lời giải.

Còn riêng về trụ cột du lịch chỉ mới ở dạng tiềm năng sơ khai, chưa tạo ra nguồn thu cho tỉnh. Nguyên nhân là do chưa có các sản phẩm du lịch đặc sắc, chưa có các dự án đầu tư lớn…

Cùng với hạn chế trong phát huy vai trò các trụ cột, công tác dự báo của quy hoạch tỉnh chưa chính xác. Mô hình dự báo quá lạc quan, dẫn đến các chỉ tiêu đề ra quá cao, không thể thực hiện. Một số nội dung, chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp do điều kiện thực tế thay đổi nhưng chậm được điều chỉnh.

Phó GS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh,  cho rằng: “Một trong những bất cập lớn nhất trong 10 năm qua của tỉnh Đắk Nông là chỉ tiêu quy hoạch thường đề ra quá cao, không có khả thi khi triển khai thực hiện”.

Ngoài ra, các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm. Một số trường hợp chưa triển khai được do vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đầu tư liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp phải đình hoãn, cơ cấu lại do không chuyển đổi được đất rừng…

Công tác phối hợp, quản lý điều hành của một số cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu của Nhân dân, doanh nghiệp. Trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao..

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo góp ý quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Diễn nhấn mạnh: “Lâu nay, khi chúng ta làm đề án thì rôm rả lắm, nhưng khi thực hiện không được bao nhiêu”.

Cũng theo nguyên Bí thư Lê Diễn thì đây là bệnh cố hữu diễn ra lâu nay. Một số quy hoạch "treo" đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Các quy hoạch triển khai chậm hoặc kéo dài cản trở rất lớn đến việc phát huy hiệu quả lợi thế về đất đai.

>> Kỳ 3: Quy hoạch chặt chẽ, đạt chất lượng

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tỉnh Ðắk Nông - Ðộng lực để bứt phá (kỳ 2): Những "nút thắt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO