Quan tâm sản xuất nông sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm

Tường Mạnh| 27/08/2015 09:33

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020”, trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng, năng suất và chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên.

ADQuảng cáo

Trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành một số mô hình trang trại nông-lâm kết hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa và phát triển một số cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao. Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chứng nhận sản phẩm phù hợp VietGAP, GlobalGAP ở một vài mô hình cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, có cơ sở khoa học, thực tiễn để nhân rộng.

Công nhân Công ty TNHH Phát triển thương mại - dịch vụ nông nghiệp Gia Nghĩa ở xã Đắk Nia thu hoạch nấm. Ảnh: Y Krăk

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, một thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn nhiều hạn chế. Nhận thức của nhiều ngành, cấp và nông dân về vấn đề an toàn chất lượng nông sản chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế trên đã đặt ra nhiều vấn đề, đó là cùng với việc định hướng lựa chọn công nghệ cao áp dụng cho phù hợp, khai thác một cách có hiệu quả một số sản phẩm thế mạnh của tỉnh thì chất lượng an toàn thực phẩm phải được quan tâm hàng đầu.

ADQuảng cáo

Một trong những giải pháp cần thiết đó là phải hướng tới nền nông nghiệp bền vững nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đầu ra của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu canh tác cho đến khâu thu hoạch và sau thu hoạch, bảo quản…

Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân thấy được tầm quan trọng và lợi ích của việc sản xuất ra sản phẩm an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nông sản sạch là điều hết sức cần thiết. Trong đó, ngành chức năng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo chuyển giao kiến thức để nông dân tự lựa chọn và tiến hành hình thức sản xuất phù hợp, chú ý nhiều hơn tới vấn đề giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, bón phân hợp lý, sản xuất theo hướng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở đó, tỉnh mới có thể từng bước áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm (ISO 9000, HACCP, GMP....) theo chuỗi ngành, hàng vào sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính bền vững, lâu dài trong hội nhập và phát triển.

Đồng thời, việc liên kết giữa “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn cần phải chặt chẽ. Có như vậy mới tạo được mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ, vì mục tiêu sau cùng vẫn là hướng đến các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có chất lượng, giá trị cao về kinh tế, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo lợi nhuận phù hợp cho nhà sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm sản xuất nông sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO