Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững (Kỳ 2): Thủy điện phá vỡ các dòng sông thành hệ sinh thái hồ

Văn Tâm| 10/08/2016 11:05

Không thể phủ nhận những lợi ích mà các nhà máy thủy điện mang lại, nhưng thực tế cho thấy, tác động của các công trình thủy điện trên lưu vực sông Sêrêpốk và hệ thống các dòng sông trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân, môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của cả khu vực.

ADQuảng cáo

Thác Đray Sáp - điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, là thác hạ nguồn trong hệ thống 3 thác Gia Long - Đray Nur - Đray Sáp của Sêrêpốk, vài năm gần đây cũng đối mặt với khô hạn. Ảnh tư liệu

Dòng sông Sêrêpốk đang bị ‘’bức tử’’

Dòng sông Sêrêpốk được biết đến với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, cảnh quan hùng vỹ, thu hút khách du lịch, là nơi cung cấp sinh kế cho nhiều cộng đồng bản địa. Song hiện nay, con sông huyền thoại này đang bị "bức tử’’ do tác động của các công trình thủy điện.

Sông Sêrêpốk là một trong những mạch nguồn của một bình nguyên rộng lớn trên vùng đất Nam Tây Nguyên, nhưng đến thời điểm quan trọng nhất là mùa khô thì nó không còn cái gọi là dòng sông nữa mà trở thành hệ thống sinh thái hồ, với dòng chảy lững lờ.

Cả hệ thống sông các thủy điện đã được xây dựng hầu như chia cắt và làm vỡ vụn các dòng sông. Cùng với hoạt động khai thác cát, hiện nay, đây được đánh giá là một trong hai nguyên nhân gây xói lở bờ sông và khoét sâu lòng sông.

Tại các xã Quảng Phú, Đức Xuyên, Nâm N’đir… nằm trên đoạn sông Krông Nô chảy về để hợp cẩn với dòng Sêrêpốk, mỗi khi nhà máy thủy điện Buôn Tua Sarh không xả nước dòng sông trơ đáy và ngập úng, sạt lở nặng khi thủy điện này xả nước. Theo Sở Nông nghiệp – PTNT thì từ năm 2010 đến cuối tháng 3 năm 2016 có khoảng 40 ha cây trồng bị ngập và khoảng 100 ha đất ven bờ sông bị sạt lở.

Ông Nguyễn Tánh, một người dân ở xã Đức Xuyên cho biết: “Khi nhà máy đóng cửa thì mức nước hạ thấp đột ngột, làm thay đổi dòng chảy, nước sông dâng lên hạ xuống bất thường làm cho đất hai bờ sông sạt lở vì đất ở đây chủ yếu là đất cát, độ kết dính rất yếu. Vùng bị sạt lở là đất màu mỡ, được người dân trồng ngô, lúa, đậu 2-3 vụ. Nhiều diện tích ngô cho năng suất từ 12-14 tấn/vụ, lúa từ 6-10 tấn/vụ chưa đến kỳ thu hoạch đã bị sạt đổ xuống dòng sông”.

Không những thế, theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Chi nhánh Công ty Khai thác công trình thủy lợi Krông Nô cho hay: “Do dòng chảy của dòng sông bị biến đổi nên một số công trình đã hoặc đang đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi là kênh tưới và nhà trạm của các trạm bơm Đắk Rền được đầu tư 55 tỉ đồng, Buôn Choáh đầu tư 45 tỉ đồng, hiện nay chỉ còn cách bờ sông chừng 5-10 m, so với 50m vào một năm trước đây. Còn Trạm bơm Buôn Sức và D12 cũng bị “treo miệng” cửa vào của ống hút, không thể hoạt động...”. 

ADQuảng cáo

Nhà máy thủy điện Buôn Tua Sarh địa bàn Krông Nô có chiều dài 30 – 35 km theo tuyến cong của trục sông. Vấn đề sạt lở bờ sông xảy ra trầm trọng nhất là trong những tháng mùa khô. Khi mà thủy điện vận hành với lưu lượng thay đổi mạnh, bất thường. Cũng theo ông Cường, hằng ngày từ 18 -19 giờ bắt đầu xả nước, đến đêm từ 23 -24 giờ, lưu lượng thường đạt cao nhất tương đương với 200 m3/giây. Đến trưa hôm sau, lưu lượng trở về bằng 0 khi Nhà máy Thủy điện ngừng hoạt động toàn bộ.

Với hai bờ sông, nhiều vị trí uốn cong, thay đổi liên tục đã tạo ra hiện tượng “bên lở”, “bên bồi”, làm xói và di chuyển cát từ vị trí này đến vị trí khác. Chính vì thế, tại hạ lưu sông Krông Nô, đoạn chảy qua xã Đức Xuyên gây xói mòn, sạt lở nặng, theo tính toán của ngành chuyên môn  thì có thời điểm, sạt lở diễn ra bình quân từ 1,5 – 2 m/ngày đêm, tốc độ trung bình sạt lở từ 1,5 – 2 m theo chiều ngang bờ sông trong một ngày đêm.

Trả giá đắt về môi trường sinh thái

Việc ồ ạt phát triển thủy điện tại các dòng sông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng như ở Tây Nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Nguồn nước ở Tây Nguyên đang ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Các con sông lớn đang bị tận diệt sức sống, diện tích rừng mất đi ngày càng tăng cao…

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên-Môi trường) cho biết: “Những hệ lụy do việc ồ ạt phát triển các công trình thủy điện trên hệ thống sông Tây Nguyên.

Đầu tiên là thủy điện Sêrêpốk 4A trên dòng Sêrêpốk. Thủy điện này đã ngăn dòng, chuyển nước qua kênh đào lớn xuống đoạn sông 20 km hạ lưu thủy điện Sêrêpốk 4. Điều này làm đoạn sông từ sau đập thủy điện Sêrêpốk 4 và Sêrêpốk 4A bị cạn kiệt có nguy cơ trở thành đoạn sông “chết”. Vì vậy, lưu lượng nước 8,23m3/giây mà thủy điện Sêrêpốk 4A trả về cho đoạn sông này vẫn là quá thấp so với dòng chảy sinh thái vốn có của con sông này”. Thêm vào đó, nạn phá rừng đã làm dòng sông Sêrêpốk lớn thứ 2 Tây Nguyên đang thay đổi theo hướng tiêu cực, hung dữ hơn về mùa mưa và cạn kiệt hơn về mùa khô.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ phân tích thêm: “Nếu một hồ thủy điện cỡ 10 MW chạy vào khoảng 60% công suất trong các tháng mùa khô thì có thể xóa sổ hàng trăm ha rừng. Tính trung bình 1MW thủy điện đã chiếm tới 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời. Chỉ với 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã và đang xây dựng đã chiếm dụng hơn 68.000 ha đất, làm ảnh hưởng đến gần 26.000 hộ dân. Các tỉnh đã phải chuyển đổi 80.000 ha đất các loại cho các dự án thủy điện…”.

Trong khi đó, việc trồng rừng thay thế chưa đủ so với diện tích rừng phục vụ thủy điện. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn Tây Nguyên hiện tại mới chỉ trồng lại được khoảng 3,3% diện tích rừng phải chuyển đổi. Chưa nói thủy điện phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên của các thác nước nổi tiếng của tỉnh, ảnh hưởng trầm trọng đến phát triển ngành du lịch của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững (Kỳ 2): Thủy điện phá vỡ các dòng sông thành hệ sinh thái hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO