Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản: Đụng đâu cũng có... vấn đề

Hà An| 23/12/2014 08:41

Mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh… nhưng tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản vẫn là vấn đề, nội dung “cộm”, bởi vì những bất cập, yếu kém trong quản lý, thực hiện vẫn chưa được khắc phục.

ADQuảng cáo

Từ chậm tiến độ

Qua kiểm tra chất lượng và nghiệm thu 21 công trình trên địa bàn tỉnh của Sở Xây dựng mới đây cho thấy, công tác quản lý xây dựng cơ bản còn khá nhiều khiếm khuyết cần phải khắc phục, trong đó tiến độ thi công chậm dẫn đến lãng phí dường như đã trở thành “căn bệnh trầm kha” chưa có “thuốc chữa”. 

Thi công đường tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Ảnh: Mai Anh

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Sở Xây dựng, tính đến hết tháng 11/2014, toàn tỉnh có tới 45/87 dự án công trình trên địa bàn thi công chậm tiến độ so với cam kết, chiếm 51,72% tổng số công trình đang thực hiện. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ một phần là do thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng kéo dài so với kế hoạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.

Đơn cử như tại gói thầu số 7, thuộc Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư 23 ha (Gia Nghĩa) có tổng vốn đầu tư trên 17 tỷ đồng, theo kế hoạch, đến tháng 8/2011, gói thầu này sẽ thi công xong nhưng do chưa giải phóng xong mặt bằng nên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Từ đây, gói thầu này đã phải điều chỉnh chi phí xây dựng theo các chế độ, chính sách của Nhà nước tăng hơn 4 tỷ đồng (tăng 29,03%). Tương tự, các gói thầu số 1, 4 của Dự án đường Đăm Bri, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) theo kế hoạch, đến tháng 7/2011 sẽ thi công xong nhưng do vướng mặt bằng, phần giá trị còn lại của 2 gói thầu là 4,54 tỷ đồng đã phải điều chỉnh tăng thêm 1,71 tỷ đồng.

Ngoài việc chậm tiến độ do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, vài năm gần đây, rất nhiều công trình, hạng mục công trình chậm tiến độ do thiếu vốn bố trí theo dự toán. Vì thế, rất nhiều dự án mặc dù nằm trong kế hoạch nhưng do thiếu vốn nên phải “đắp chiếu" nằm chờ kinh phí để thực hiện các gói thầu còn lại thi công xong mới tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng, dẫn đến việc nhà thầu phải thi công lại các công tác hoàn thiện.

Điều đáng nói, những hạn chế trên không phải là vấn đề mới phát sinh mà hầu như năm nào cũng diễn ra nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Từ đây, một vấn đề đặt ra là các cấp, ngành đã thực sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt ?

ADQuảng cáo

Đến năng lực đơn vị tư vấn, thi công yếu

Thực tế cho thấy, ngoài những nguyên nhân đã nêu thì vấn đề năng lực của đơn vị thi công và tư vấn yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Qua kiểm tra chất lượng các dự án của cơ quan chức năng cho thấy, công tác lập hồ sơ dự án còn nhiều hạn chế, sai sót, nhiều điểm chưa phù hợp nên phải chỉnh sửa nhiều lần; một số chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật không đảm bảo, chưa dự kiến những yếu tố thay đổi, biến động trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh trong vòng đời dự án.

Các đơn vị tư vấn thực hiện thiết kế còn nhiều sai sót như áp dụng không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công thiếu nhiều chi tiết bộ phận công trình, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực tế ngoài công trường; số liệu khảo sát địa chất, địa hình còn chưa chính xác dẫn đến khi thi công thực tế ngoài công trường phải điều chỉnh thiết kế.

Ngoài ra, về kinh tế xây dựng, công tác lập dự toán của đơn vị tư vấn còn nhiều thiếu sót như vận dụng sai mã hiệu định mức, dùng các định mức đã bị thay thế, áp dụng không đúng định mức chi phí xây dựng. Một số công trình khác nhà thầu liên doanh, thực tế thi công chỉ 1 nhà thầu độc lập, quá trình thực hiện công trình dự án chỉ tích cực giai đoạn đầu, càng về sau càng chậm trễ do thiếu vốn.

Quá trình quản lý chất lượng, quản lý thi công của các đơn vị tư vấn còn chưa đúng theo yêu cầu; nhân lực, máy móc, thiết bị thi công còn thiếu so với dự thầu; biện pháp thi công, công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường chưa được quan tâm...

Trong năm 2014, Sở Xây dựng đã kiểm tra 21 công trình, kết quả một số công trình dự án, tổ chức tư vấn giám sát còn nhiều thiếu sót như bố trí nhân lực còn thụ động, kinh nghiệm của kỹ sư giám sát trực tiếp còn hạn chế, chưa thường xuyên bám sát hiện trường, chưa phát huy được vai trò giám sát thi công, chưa thực hiện kiểm tra điều kiện năng lực về thiết bị và nhân công của nhà thầu thi công theo hồ sơ dự thầu. Trong năm, các cơ quan chức năng đã thụ lý, thẩm tra 152 công trình, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 131 công trình.

Cụ thể, Sở Xây dựng thẩm tra 99 công trình; Sở Công thương thẩm tra 5 công trình; Sở Giao thông-Vận tải thẩm tra 9 công trình và Sở Nông nghiệp-PTNT thẩm tra 18 công trình. Qua công tác thẩm tra, cơ quan chức năng đã cắt giảm khá nhiều hạng mục dư thừa, không cần thiết với một số vốn khá lớn, bình quân khoảng 6% so với tổng vốn dự toán. Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra thường kỳ, Sở Xây dựng cũng đã phát hiện 24 đơn vị hoạt động trên lĩnh vực xây dựng có những sai phạm nghiêm trọng và đã đề nghị xử phạt với tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng…

Rõ ràng, qua công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cho thấy, vì nhiều nguyên nhân mà các đơn vị liên quan đang có khá nhiều yếu kém, bất cập dẫn đến sai phạm, ảnh hưởng không chỉ đến tiến độ, chất lượng công trình mà còn gây lãng phí một số tiền lớn của Nhà nước. Điều này đang đặt ra một yêu cầu cần thiết phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý từ các quy trình xét duyệt hồ sơ năng lực đấu thầu, phê duyệt dự án và công tác đôn đốc, theo dõi của chủ đầu tư cũng như thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản: Đụng đâu cũng có... vấn đề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO