Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk R’lấp: Nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững

Lương Nguyên| 12/10/2017 14:30

Đưa hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đi vào nền nếp, rà soát để cho vay đúng đối tượng, phối hợp tốt với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình giám sát, quản lý nguồn vốn vay… là cách mà Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã, đang thực hiện, nhằm giảm nợ quá hạn xuống mức thấp nhất.

ADQuảng cáo

NHCSXH huyện Đắk R'lấp giao dịch với người dân xã Đắk Sin.

Kiện toàn các tổ TK&VV

Tổ TK&VV thôn 3, xã Nhân Đạo là một trong những tổ đi đầu trong nỗ lực giảm nợ quá hạn. Theo ông Nguyễn Văn Chôm, Tổ trưởng tổ TK&VV thôn 3, để thực hiện hiệu quả, công tác đôn đốc các thành viên trong tổ thực hiện đúng quy định về nộp lãi, gốc hằng tháng luôn là nhiệm vụ thường trực. Xác định được điều này, vào các cuộc họp hằng tháng, Tổ đều nhắc nhở, hướng dẫn các thành viên nộp tiền lãi, gốc đúng kỳ, không trễ nải, chây ì. Sau khi nguồn vốn được giải ngân đến tay các thành viên, Ban Quản lý tổ chú trọng hướng dẫn người dân đầu tư vào các giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Chôm cho  biết: “Toàn  tổ hiện có 56 thành viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với dư nợ gần 1,9 tỷ đồng. Các thành viên trong tổ đều chấp hành đúng quy định nên không có nợ quá hạn”.

ADQuảng cáo

Toàn huyện Đắk R’lấp hiện có 205 tổ TK&VV, nhưng không có tổ nào xếp loại yếu kém và trung bình. Để có được kết quả này, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cũng như UBND các xã, thị trấn củng cố, thay thế những Ban Quản lý tổ hoạt động không hiệu quả. Việc chia tách, sát nhập những tổ vượt số thành viên theo quy định cũng được đơn vị thực hiện sâu sát. Bên cạnh đó, hằng năm, cùng với công tác kiểm tra, giám sát, quá trình đối chiếu nợ từng hộ vay theo quy định là một nhiệm vụ xuyên suốt mà ngân hàng luôn chú trọng.  

Giám sát chặt chẽ từ khâu cho vay

Cùng với công tác kiện toàn hệ thống tổ TK&VV, quá trình cho vay cũng được đơn vị triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Hoạt động bình xét cho vay luôn được các bên tham gia thực hiện công khai, dân chủ. Mức cho vay từng hộ được căn cứ cụ thể vào tình hình thực tế, phù hợp với nhu cầu đầu tư, mục đích của từng hộ vay. Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ban, ngành liên quan để có sự kết hợp, lồng ghép giữa nguồn vốn vay với các chương trình khuyến nông. Tùy vào số vốn vay, điều kiện, nhân lực của từng hộ gia đình, các bên tham gia sẽ hướng dẫn, tư vấn mô hình, phương án đầu tư phù hợp.

Đơn vị thường xuyên báo cáo Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện về tình hình hoạt động, cũng như thuận lợi, khó khăn trong hoạt động cho vay, thu hồi nợ của NHCSXH trên địa bàn. Nhờ đó, chất lượng tín dụng trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương luôn đạt kết quả tốt.

Ông K’Ngai, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp khẳng định: “Nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững đóng vai trò rất quan trọng, cần thiết đối với hoạt động tín dụng, nhằm bảo đảm tính ổn định, bảo toàn vốn và tài sản Nhà nước. Trong quá trình tăng trưởng tín dụng, đơn vị luôn chú ý, quan tâm đến chất lượng tín dụng. Minh chứng cho điều này là con số tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong những năm qua tại đơn vị luôn duy trì ở mức hơn 24%. Đến nay, tổng dư nợ tại đơn vị là hơn 265 tỷ đồng, với nợ quá hạn chỉ chiếm 0,22%”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk R’lấp: Nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO