Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Glong: Tập trung thu hồi nợ đến hạn

Lương Nguyên| 16/02/2017 09:12

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thông báo trước kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện cho vay vốn xoay vòng đối với những hộ gặp rủi ro trong quá trình sản xuất..., đó là cách làm đã và đang được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Đắk Glong triển khai, qua đó, góp phần giảm nợ quá hạn trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Tại xã Quảng Khê, địa phương này hiện có gần 1.700 hộ gia đình được vay vốn, với tổng dư nợ gần 73 tỷ đồng. Điều đáng mừng, mặc dù là một địa phương có tổng dư nợ lớn nhưng tỷ lệ nợ quá hạn lại rất thấp, chỉ chiếm 0,19%.

Ông Nguyễn Hữu Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết: “Hiện tại, toàn xã có đến 30% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức khá cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi, chính quyền xã phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng hộ vay vốn về quy định của ngân hàng. UBND xã chỉ đạo các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phải quản lý được tổ viên của mình trong quá trình sử dụng vốn, từ đó, hướng dẫn bà con đầu tư vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả”.

Ông Đỗ Văn Cửu, ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê đã nhiều lần vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, thông qua nhiều chương trình khác nhau nhưng chưa lần nào ông để nợ quá hạn. Để làm được điều này, ngoài ý thức của gia đình thì một phần còn nhờ vào sự tuyên truyền, vận động của các thành viên trong tổ TK&VV.

ADQuảng cáo

Ông Cửu chia sẻ: “Sau khi được ngân hàng giải ngân vốn, gia đình đã đầu tư vào chăm sóc cà phê. Việc tập trung áp dụng khoa học, kỹ thuật để vườn cây phát triển tốt, có thu nhập cao luôn là mục tiêu gia đình tôi hướng đến. Hơn thế, tổ TK&VV thường xuyên đến vận động gia đình nộp lãi, gốc, cũng như thông báo trước thời hạn nợ nên tôi luôn chủ động được trong quá trình thực hiện quy định của ngân hàng”.

Tương tự, đối với chị Lê Thị Dương ở cùng thôn, để không “lỡ hẹn” khi đến ngày đóng lãi, nộp gốc cho ngân hàng, gia đình chị luôn tập trung vào phát triển kinh tế. Chị Dương cho hay: “Sau khi vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện về, tôi tập trung vào phát triển cà phê, nuôi bò, nuôi gà… Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, kinh tế gia đình tôi từng bước ổn định. Có nguồn thu nhập, tôi luôn nộp lãi, gửi tiết kiệm đúng thời gian quy định”.

Có thể nói, ngoài ý thức của hộ gia đình vay vốn để quản lý tốt nguồn vốn vay, hạn chế nợ quá hạn tăng, hệ thống tổ TK&VV đóng vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động. Ông Nguyễn Văn Bảy, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê cho hay: “Khi nguồn vốn giải ngân về, Tổ đã vận động bà con sử dụng vốn đúng mục đích, tránh đầu tư dàn trải. Đến hạn trả nợ, các thành viên trong Ban quản lý của Tổ thông báo trước để người dân có thời gian chuẩn bị”.

Theo ông Đặng Quốc Thuận, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong, đến giữa tháng 2/2017 tổng dư nợ mà đơn vị đang quản lý gần 280 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,3%. Hằng năm, đơn vị chủ động thông báo nợ đến hạn cho các địa phương trước 3 tháng. Ngân hàng còn cử cán bộ phụ trách địa bàn xuống phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác, tổ TK&VV động viên, vận động bà con trả nợ đúng quy định. Riêng một số trường hợp đặc biệt, mặc dù đã đến hạn trả nợ lại gặp rủi ro khách quan, nhưng vẫn chấp hành tốt quy định của NHCSXH, trả lãi, gửi tiết kiệm đều hằng tháng, đơn vị tạo điều kiện cho vay vốn xoay vòng. Còn đối với những hộ vay vốn chưa trả nợ nhưng đã rời khỏi địa phương, đơn vị tích cực thu thập thông tin. Khi biết cụ thể các hộ đó ở địa phương nào, đơn vị sẽ bàn giao dư nợ sang địa phương nơi hộ đó đang cư trú nhằm hạn chế tình trạng thất thoát vốn nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Glong: Tập trung thu hồi nợ đến hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO