Phát triển thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu

Trần Lê| 19/05/2016 09:24

Những năm gần đây, rừng đầu nguồn đã và đang bị tàn phá nặng nề, cộng với tình hình biến đổi khí hậu đã làm thay đổi quy luật về thủy văn, dòng chảy đến các hồ chứa. Điều này cũng đã đặt ra những vấn đề cấp bách cho phát triển thủy lợi ở Đắk Nông để bảo đảm an toàn các công trình cũng như vùng hạ du.

ADQuảng cáo

Hồ Tây, công trình thủy lợi đa mục đích của huyện Đắk Mil

Hàng trăm công trình cần sửa chữa, nâng cấp

Theo Chi cục Thủy lợi - Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp - PTNT), toàn tỉnh có 183 hồ thủy lợi, với tổng dung tích 140 triệu m3. Việc xây dựng nhiều hồ chứa đã góp phần rất lớn vào phát triển sản xuất nông nghiệp, phát điện, chống lũ, cấp nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các hồ chứa cũng gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội bởi những tồn tại trong thiết kế, thi công và quản lý, cùng với đó là biến đổi bất thường về khí hậu làm cho những tác động xấu này thêm trầm trọng. Trong số đó, nhiều hồ có đập đất đã được xây dựng từ lâu không được gia cố bảo vệ mái thượng lưu và hạ lưu, mặt đập lồi lõm, sụt lún, mái sạt lở biến dạng không còn bảo đảm độ xoải an toàn,  đập có hiện tượng thấm. Những tồn tại này phần lớn nằm ở hồ loại nhỏ và vừa vì các công trình này có tiêu chuẩn thiết kế thấp hơn, đặc biệt là các hồ đập được xây dựng trong thời kỳ những năm 1980 - 2000.

Mặt khác, do thiếu kinh phí xây dựng nên các hạng mục công trình không được đầu tư xây dựng đồng bộ và không có độ kiên cố cần thiết; một số hồ chứa tràn xả lũ không đủ năng lực tháo lũ, tràn tự do trên nền đất, nhiều hồ chứa không có đường quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý và ứng cứu khi hồ có sự cố.

Những năm gần đây, những thiếu sót, hạn chế trên đã từng bước được khắc phục đối với các hồ được xây mới, nhất là ở những hồ lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý. Hiện nay, một số công trình được thực hiện các chế độ quan trắc cơ bản như quan trắc thấm, kiểm tra độ ổn định góp phần đắc lực cho việc quản lý, điều tiết nước trong thời điểm có mưa lũ.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, trong tình hình diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi, cộng với rừng đầu nguồn bị tàn phá đã làm cho lượng lũ về hồ nhanh và lớn hơn, tăng mức độ nguy hiểm cho các công trình. Toàn tỉnh cũng chưa có công trình thủy lợi nào được đầu tư các trạm đo mưa tự động trên lưu vực và các hệ thống quan trắc tự động như đo mực nước, đo lưu lượng xả qua cống, tràn nên gặp khó trong việc điều tiết lũ.

Cần đầu tư nhiều về kỹ thuật công trình

Trên thực tế, để những hồ thủy lợi có các hệ thống đo mưa tự động, quan trắc nhằm đối phó với tình hình mưa, lũ bất thường do biến đổi khí hậu gây ra thì các công trình cần phải có nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên các công trình chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, trong đó chưa có xây dựng và trang bị các thiết bị quan trắc.

Theo ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục  Thủy lợi - Phòng chống lụt bão thì hầu hết các công trình chưa có hoặc được trang bị chưa đồng bộ các thiết bị phục vụ công tác quan trắc, điều tiết, dự báo, cảnh báo. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí đầu tư cho thủy lợi mới đáp ứng được cho nhu cầu sửa chữa, nâng cấp các công trình là chính.

Trong thời gian tới, đề án về bảo đảm an toàn hồ chứa được triển khai sẽ tập trung rà soát các công trình hồ đập đã hư hỏng, nâng cấp bảo đảm an toàn, kiểm định đập, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, các công trình này cũng sẽ hướng đến các tiêu chuẩn hiện hành, từng bước nâng cao mức bảo đảm theo quy định quốc tế cho hồ chứa lớn, tăng cường năng lực dự báo lũ và các giải pháp an toàn cho vùng hạ lưu trong trường hợp xả lũ khẩn cấp. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có khoảng 200 hồ thủy lợi cần được đầu tư mới và sửa chữa, nâng cấp. Hiện tỉnh cũng đã lập kế hoạch đầu tư thủy lợi trung hạn, dài hạn để tranh thủ tốt các nguồn vốn nâng cao các yếu tố về kỹ thuật công trình.

Một số ý kiến về phát triển thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu

* Chi nhánh hiện đang quản lý 39 công trình thủy lợi với quy mô nhỏ. Trong đó, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng do đã được xây dựng từ lâu nên dễ thất thoát nguồn nước. Biến đổi khí hậu đang làm cho mực nước hồ chứa sụt giảm nên việc nâng cấp, sửa chữa các công trình là vô cùng cần thiết.

(Ông Phan Sỹ Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk R’lấp).

* Biến đổi khí hậu đang làm cho nguồn nước khan hiếm. Hàng năm, xã luôn vận động nhân dân đào các ao, hồ nhỏ. Thực tế những năm gần đây, ao, hồ nhỏ đã phát huy hiệu quả giúp người dân hạn chế ảnh hưởng của nắng  hạn.

(Ông Mai Xuân Sáng, Chủ tịch UBND xã Kiến Thành, Đắk R’lấp).

* Theo tôi, việc phát triển thủy lợi phải tính đến yếu tố đa mục đích, theo đó có tính toán đến các yếu tố vừa bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất, nước sinh hoạt và điều hòa không khí, tạo cảnh quan. Điển hình tại huyện Đắk Mil có công trình Hồ Tây. Trong những năm qua, công trình này đã phát huy tính đa mục đích rất tốt.

(Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil).

* Trong điều kiện biến đổi khí hậu làm cho nhiều sông suối nhỏ, hồ đập tự nhiên bị hết nước nhanh vào mùa khô thì việc phát triển, xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi ở vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cùng với đó, theo tôi, nhà nước cần có sự hỗ trợ, khuyến khích nhiều hơn nữa để người dân tham gia vào việc quản lý, bảo vệ công trình như thành lập các tổ, nhóm, hợp tác dùng nước ở các thôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số.

(Ông Y Car Niê, Buôn Buôr, xã Tâm Thắng, Chư Jút).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO