Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam

Hồng Thoan| 14/08/2019 09:51

Hội nhập quốc tế đã giúp thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng đặt ra không ít yêu cầu, trong đó có vấn đề về chất lượng, giá trị, nguồn gốc sản phẩm...

ADQuảng cáo

Trang trại Hiệp Thành, xã Đắk Nia (TX. Gia Nghĩa), sản xuất chanh dây theo hướng hữu cơ

Luôn củng cố, mở rộng thị trường

Thị trường có tính chất quyết định đến cơ cấu, quy mô sản xuất ngành Nông nghiệp của bất kỳ quốc gia nào trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay. Vì thế, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã tích cực phối hợp với ngành Công thương, Ngoại giao thúc đẩy các quá trình đàm phán với các bên để tháo gỡ các rào cản trong thương mại. Phương châm là vừa giữ vững các thị trường truyền thống, dễ tính để xúc tiến xuất khẩu đến các thị trường khó tính, mới. Điển hình cho quá trình này như xuất khẩu các sản phẩm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long sang các thị trường mang lại giá trị cao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản. Qua đó, thị trường nông sản Việt Nam được phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

Đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đến được hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh. Theo đó, giai đoạn 2013-2017, đạt 157,49 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước, thặng dư thương mại chiếm từ 20-25% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 2018, Việt Nam đạt mức 40,02 tỷ USD về tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thặng dư ước đạt 8,7 tỷ USD. Có 10 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 5 mặt hàng đạt mức 3 tỷ USD trở lên là tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ.

Như vậy, có thể thấy, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do, thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Điều này được thể hiện rõ qua kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn tăng khá, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu ổn định, là trụ đỡ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của Chính phủ, thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại, Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông sản trong nước, cải thiện đời sống nông dân và phát triển mối quan hệ đa phương, hiệu quả với nhiều quốc gia trên thế giới.

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bơ M'nông, xã Đắk R'moan (TX. Gia Nghĩa) sản xuất 4 ha bơ được chứng nhận VietGAP

Nông sản Việt phải nâng cao giá trị

Thực thi các cam kết, thỏa thuận về thương mại tự do còn tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh. Cụ thể, các doanh nghiệp phải giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị cao mới có cơ hội tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm đáp ứng các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế cũng là xu thế bắt buộc.

Những năm gần đây, nhiều kỹ thuật tiên tiến và các tiêu chuẩn kỹ thuật như VietGAP, GlobalGAP, ISO, HACCP trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đã và đang được áp dụng tại Việt Nam. Các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của Việt Nam có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế tham chiếu ngày càng tăng, giúp nông sản Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường khó tính.

Đến nay cả nước có 1.845 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 80.284 ha, trong đó cà phê 200 ha, chè 3.924 ha, lúa 3.760 ha, cây ăn quả 67.580 ha và rau 4.820 ha. Ngoài ra, diện tích được các doanh nghiệp đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ khoảng 70.000 ha.

Tuy nhiên, mức độ tập trung của nông sản Việt Nam vào một số thị trường chính vẫn khá cao. Xu hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn các rủi ro cao về rào cản thương mại, thiếu sự chủ động khi có sự thay đổi của các thị trường. Vấn đề về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, hệ thống cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu xếp Việt Nam vào danh sách có nhiều cảnh báo. Hệ thống hạ tầng thương mại, tổ chức tiêu thụ nội địa, dự báo thị trường còn nhiều bất cập nên xảy ra tình trạng mất cân đối cung, cầu cục bộ làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nông dân.

Do đó, để ngành Nông nghiệp hội nhập, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp -PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bộ cũng như các đơn vị chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh tổ chức phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục đích cuối cùng là đưa nông sản Việt vươn xa hơn ra thị trường quốc tế, nâng cao giá trị trên cơ sở phát triển theo chuỗi ngành hàng quốc gia, vùng, miền, sản phẩm lợi thế, cạnh tranh. Đạt được điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, chung tay từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý đến mỗi nông dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO