Phát triển nghề trồng hoa ở Đắk Nia

Lê Phước| 12/05/2021 10:25

Mô hình trồng hoa ở thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đang mở ra hướng phát triển mới, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm tại địa phương.

ADQuảng cáo

Vườn hoa của gia đình anh Nguyễn Văn Trung nằm trên đường đi vào quần thể du lịch thác Cột Đá, thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, cách quốc lộ 28 khoảng 1 km. Với diện tích khá lớn được trồng nhiều loại hoa, người dân địa phương gọi đây là cánh đồng hoa.

Vườn hoa hồng của anh Trung mang lại nguồn thu nhập ổn định

Khi chúng tôi đến cánh đồng hoa, anh Trung đang đào rãnh thoát nước cho vườn hoa cẩm chướng. Đây là loài hoa ưa khô ráo nên được anh Trung trồng trên luống cao. Gia đình anh Trung theo nghề trồng hoa tại quê hương Hà Nội hơn 20 năm.

Ở Thủ đô, người trồng hoa nhiều, sức cạnh tranh lớn, nên làm ăn tương đối khó khăn. Năm 2019, gia đình anh quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp. Sau khi khảo sát kỹ, gia đình anh chọn Gia Nghĩa để nối lại nghề trồng hoa. Anh Trung thuê đất của người dân trước đây dùng để trồng lúa với giá 40 triệu đồng/ha để trồng hoa. Anh cũng thuê chính những người chủ đất làm nhân công cho mình.

Theo anh Trung, đất ở đây được anh thuê với giá cao nên người dân chấp nhận ngay. Lao động địa phương làm việc cho anh lúc đầu còn bỡ ngỡ vì chưa quen việc. Khi được anh cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể, họ đã nhanh chóng làm quen. "Mình muốn người dân địa phương có thu nhập đủ sống để họ cùng đồng hành với nghề trồng hoa một cách lâu dài", anh Trung chia sẻ.

Vườn hoa của anh Trung hiện tại chủ yếu trồng các loại hoa hồng. Các giống hoa hồng được nhập từ nhiều vùng miền trong nước và nước ngoài như Pháp, Ý… Ngoài ra, anh còn trồng hoa cẩm chướng, hoa cúc… theo mùa vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo anh Trung, nơi anh trồng hoa nói riêng, xã Đắk Nia nói chung, có điều kiện tự nhiên rất phù hợp với việc trồng hoa. "So với Đà Lạt, đất ở đây xốp, thấm nước nên không lo bị úng. Thời tiết ở Gia Nghĩa khá mát mẻ và không quá nóng và cũng không quá lạnh. Nguồn nước ở đây cũng rất bảo đảm cho việc trồng hoa", anh Trung chia sẻ.

ADQuảng cáo

Do thích nghi với điều kiện tự nhiên và khâu chăm sóc tốt nên hoa hồng ở Đắk Nia phát triển khá nhanh

Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, đầu ra gặp nhiều khó khăn, nên anh Trung hạn chế diện tích trồng hoa. Bước sang năm nay, thị trường tiêu thụ sôi động trở lại, anh đã mở rộng diện tích hoa để tăng thu nhập.

Hoa hồng của anh Trung hiện tiêu thụ tại nhiều nơi ở trong tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và TP. Hồ Chí Minh. Với giá bán trung bình khoảng 2.000 - 3.000 đồng/bông, mỗi năm vườn hoa mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh Trung còn bán các loại giống hoa hồng để phục vụ người dân.

Anh Trung dự định sẽ trồng thêm một số vườn hoa nhỏ, với nhiều loại hoa, tạo ra các tiểu cảnh xinh xắn. Trước mắt, anh tập trung vào việc trồng hoa, nâng cao thu nhập cho gia đình và lao động địa phương. Sau đó, anh trồng thêm nhiều loại hoa đẹp để phục vụ du lịch. "Tôi rất mong muốn trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một điểm dừng chân của nhiều du khách", anh Trung chia sẻ.

Theo quy hoạch của UBND thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nia là một trong những vùng trồng hoa trọng điểm. Mô hình trồng hoa của anh Trung không chỉ mang lại thu nhập cao, ổn định mà còn thể hiện sự "đi tắt đón đầu" phù hợp.

Theo ông Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, thời gian qua, địa phương rất khuyến khích các đơn vị, cá nhân phát triển các mô hình nông nghiệp quy mô lớn tại địa phương.

Riêng đối với mô hình trồng hoa, hy vọng người dân có thể phát triển thành một nghề để nâng cao thu nhập. "Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, nơi đây sẽ là một điểm dừng chân cho du khách khi đến với Đắk Nia", ông Tuấn cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nghề trồng hoa ở Đắk Nia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO