Phát triển nền nông nghiệp công nghê cao: Cần phải tránh “bẫy” phân tán

Hà An| 24/10/2014 11:15

Phát triển nền nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đang là xu thế chung, tất yếu của các tỉnh, thành trong cả nước nhằm từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, nâng cao giá trị cây trồng vật nuôi, nhất là những cây, con chủ lực, đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, thực tế cho thấy, định hướng trên không phải tỉnh nào cũng thực hiện thành công bởi nhiều yếu tố tác động và dễ sa vào “bẫy” của một nền nông nghiệp công nghệ cao phân tán.

ADQuảng cáo

Chú trọng đến cây con chủ lực

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, “bức tranh” nông nghiệp của tỉnh đang có những nét khởi sắc. Tuy nhiên, theo đánh giá, đây mới chỉ là những “nét vẽ” ban đầu mang tính phác thảo chứ chưa khắc họa rõ định hướng của “bức tranh” một ngành nông nghiệp như mục tiêu đề ra.

Cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Tuy Đức mặc dù đã đi vào hoạt động mấy năm nay nhưng hiện vẫn chưa được đầu tư hạ tầng điện lưới nên nông dân rất khó khăn trong triển khai các mô hình

Đều này được thể hiện rõ nét trong mức độ tăng trưởng về giá trị nhóm những cây, con chủ lực. Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã xác định nhóm cây trồng chủ lực bao gồm cà phê, cao su, hồ tiêu…Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh năm 2015 đạt 7,57%, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 9,03%, vượt so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra (5,15%).

Tuy mức tăng trưởng trên là khá cao nhưng vẫn đang chủ yếu về chiều rộng (tức tăng trưởng do mở rộng diện tích) còn giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha đất ở nhóm các cây trồng chủ lực vẫn chưa có sự đột phá cần thiết. Đơn cử như giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha đất trồng trọt năm 2013 đạt 59,15 triệu đồng, tăng hơn 4 triệu đồng/ha so với năm 2012 nhưng chủ yếu tăng ở những nhóm cây trồng mới, có giá trị kinh tế lớn và tăng do yếu tố tăng giá đột biến từ sản phẩm cây hồ tiêu.

Riêng cây cà phê với tỷ trọng chiếm trên 45% cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh thì giá trị trong những năm qua có tăng nhưng không đáng kể. Đối với cây hồ tiêu, mặc dù hiện nay, tỉnh đang dẫn đầu trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên về diện tích nhưng thương hiệu sản phẩm của loại cây này trên thị trường thì đang khá mờ nhạt. Người trồng hồ tiêu vẫn chủ yếu chạy theo thị trường, khi giá cao thì mở rộng diện tích ồ ạt, khi giá thấp thì bỏ bê dẫn đến tính bền vững chưa cao.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TU cũng cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít, chủ yếu là công nghệ sinh học truyền thống. Việc tiếp cận với công nghệ cao hiện đại còn hạn chế, chưa tập trung, quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo định hướng, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp bước đầu ứng dụng tổng hợp các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất như Công ty Sam San ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) với diện tích 30 ha sản xuất chanh không hạt, rau, và cây ăn quả; Công ty trà Olam ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) sản xuất khoảng 30 ha trà san tuyết theo công nghệ hiện đại và một số mô hình sản xuất rau.

Đối với những cây trồng chủ lực, tuy một số dự án như tái canh cây cà phê, phát triển cà phê bền vững đã được triển khai nhưng tiến độ thực hiện còn khá chậm do chưa có quy hoạch chi tiết, người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay; cơ chế phối, kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học còn hạn chế... Từ đây cho thấy, bên cạnh việc đưa những cây con mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, việc ưu tiên đầu tư nâng cao giá trị cho những cây trồng chủ lực là cần thiết để xác lập được một nền nông nghiệp mang tính ổn định, phù hợp và giá trị cao từ ứng dụng khoa học công nghệ.

ADQuảng cáo

Nhà nước phải là... "nhạc trưởng"

Bài học từ thực tế cho thấy, nông nghiệp cao tràn lan thường do những nguyên nhân như thiếu điều kiện về nguồn lực kinh phí để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nguồn nhân lực chuyên ngành tập trung thiếu và khâu quy hoạch chi tiết ngành nông nghiệp chậm, không đáp ứng được nhu cầu…

Nếu thực trạng trên không kịp thời được can thiệp từ phía Nhà nước thì sẽ kéo theo người dân phát triển một ngành nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung dẫn đến chi phí đầu vào, đầu ra cao, không đủ tính cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Đơn cử như “số phận” cây bông ở Chư Jút, do trước đây, loại cây này chưa được quy hoạch tập trung thành cánh đồng mẫu lớn mà chủ yếu được người dân trồng xen canh, manh mún nên không thể đưa máy móc, ứng dụng khoa học vào sản xuất dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Vì thế, từ một vùng có lợi thế về trồng bông trước đây, đến nay, loại cây này trên địa bàn gần như bị xóa sổ. Chưa kể đến, đối với những cây trồng chủ lực, do việc xây dựng quy hoạch chậm nên nhiều chương trình, dự án triển khai khó, phát sinh những vấn đề ngoài dự kiến; quy mô diện tích chưa được kiểm soát chặt chẽ, phát triển thiếu tính bền vững.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh) thì thời gian qua, từ việc tìm hiểu thông tin về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy chế biến sôcôla trên địa bàn tỉnh. Điều kiện của doanh nghiệp là chỉ cần người dân trồng tập trung được khoảng 500 ha cây ca cao là sẽ triển khai dự án. Tuy nhiên, qua khảo sát, đa phần loại cây này trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng xen kẽ, tự phát, chưa có quy hoạch vùng chuyên canh.

Trong khi, quá trình vận động, chỉ được một số hộ dân đồng ý chuyển đổi, trồng tập trung cây ca cao với tổng diện tích chưa đến 200 ha nên dự án này không thể triển khai. Điều này cũng dễ hiểu bởi đa phần người dân hiện nay có tâm lý ngại chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì họ sợ rủi ro do vốn đầu tư ít. Tâm lý của nông dân vẫn là đa cây, đa con, mất cây này còn có cây khác để vớt vát.

Từ đây, tính thâm canh, chuyên cây, chuyên con là rất thấp. Điều này đã tạo nên nhiều khâu trung gian trong thu mua, vận chuyển hàng hóa dẫn đến chi phí đầu ra của sản phẩm khi lưu hành trên thị trường rất cao, chưa đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến hoặc người dân bị ép giá.

Để đáp ứng được yêu cầu của một ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đều trước tiên đòi hỏi là Nhà nước phải thể hiện được vai trò của một “nhạc trưởng” trong định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường chiến lược bằng sự can thiệp mạnh mẽ hơn nữa từ khâu quy hoạch, triển khai kế hoạch, thực hiện các cơ chế chính sách bảo trợ, hỗ trợ nông dân cũng như có những chế tài cần thiết với những trường hợp phá vỡ các cam kết, quy hoạch đó. Nếu Nhà nước có những can thiệp kịp thời, đủ mạnh thì sẽ tránh được “bẫy” nông nghiệp công nghệ cao phân tán.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nền nông nghiệp công nghê cao: Cần phải tránh “bẫy” phân tán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO