Phát triển kinh tế, xã hội 2017: Đạt kết quả ấn tượng nhưng chưa thực sự bền vững

Bình Minh| 16/11/2017 09:15

Mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn, có thời điểm tưởng chừng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội sẽ không đạt được kế hoạch đề ra nhưng dưới sự chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, tình hình kinh tế, xã hội của cả nước trong năm 2017 đạt kết quả ấn tượng.

ADQuảng cáo

Nông dân thôn 14, xã Đắk D'rông (Chư Jút) tập trung thu hoạch đậu phộng. Ảnh: Hồ Mai

Tất cả các chỉ tiêu đều đạt, vượt kế hoạch đề ra

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018.

Điều đáng mừng là toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra theo nghị quyết của Quốc hội (QH), ước đạt và vượt, trong đó có 5 chỉ tiêu ước vượt và 8 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch. Đây là kết quả thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và góp phần củng cố niềm tin trong toàn xã hội.

Cụ thể tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương 224,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.400 USD… Nhiều lĩnh vực thế mạnh đã tăng trưởng khá và đóng góp vào sự phát triển chung như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội đều đạt và vượt, cho thấy chính sách cho người có công được chú trọng, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước cải thiện...

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mặc dù, từ nay đến cuối năm, nhiều thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhưng Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất quán mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo

Nhưng chưa bảo đảm tính bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu rõ nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của DNNN chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn…

Theo báo cáo của Chính phủ, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2017, có 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch là: Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu 1,5% (kế hoạch 3,5%); Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP 33,42% (kế hoạch 31,5%); Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 14,4% (kế hoạch 6 - 7%); Số giường bệnh trên 1 vạn dân là 25,7 giường (kế hoạch 25,5 giường); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 83% (kế hoạch 82,2%).

Có 8 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,7%; Tốc độ tăng chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP 1,5%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 56% (kế hoạch 55 - 57%); Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% nhưng cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét, sự tăng trưởng chưa bền vững còn thể hiện ở vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải; còn nhiều khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế.

Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra, chỉ số giá tiêu dùng, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lao động việc làm, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, vấn đề giải quyết nợ xấu có khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn cần phải tập trung giải quyết. Nợ công vẫn đang tăng nhanh là nguy cơ tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu đạt được kết quả bước đầu, song chưa chuyển biến rõ ràng. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực hiện còn chậm. Công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có vấn đề như chính sách thu hút đầu tư chưa công bằng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Tình trạng kê giá, chuyển giá diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI nhưng chưa được xử lý nghiêm. Việc tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước để đủ sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững cũng là những vấn đề được các đại biểu phân tích làm rõ.

Vấn đề cải cách hành chính, cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… còn nhiều vấn đề đặt ra. Việc phân bổ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn rất chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, còn nhiều lãng phí. Một số khoản chi về an sinh xã hội thực hiện chậm; kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo; cơ chế khoán kinh phí ở một số lĩnh vực chưa tích cực; thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế, xã hội 2017: Đạt kết quả ấn tượng nhưng chưa thực sự bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO