Phát triển kinh tế tư nhân: Cần quan tâm nhóm hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ

Hà An| 20/11/2017 10:19

Nghị quyết số 10-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

ADQuảng cáo

Công nhân DNTN Phương Thảo (Đắk Mil) thực hành máy chà nhám sau nghiệm thu. Ảnh: Lê Dung

Trên thực tế thời gian qua, trung ương cũng như tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng. Thành phần kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, những chủ trương, chính sách đó chủ yếu mới tập trong cho hệ thống các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn chứ đối tượng kinh tế cá thể, hộ sản xuất, kinh doanh vẫn chưa được thụ hưởng nhiều. Trong khi đó, thống kê cho thấy, kinh tế cá thể, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm khoảng 80% số đối tượng tham gia vào lĩnh vực kinh tế tư nhân, hàng năm đóng góp một phần quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, thành phần kinh tế cá thể, hộ sản xuất kinh doanh đang góp phần quan trọng về giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Thế nhưng, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhóm đối tượng này lại rất ít, mang tính chung chung chứ chưa có những chủ trương, chính sách đặc thù riêng biệt.

ADQuảng cáo

Chỉ đơn cử, trong chính sách về thuế, nếu như doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê đất những năm đầu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng… thì các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ lại không được thụ hưởng chính sách đó. Một số hộ sản xuất, kinh doanh cho biết bản thân họ cũng tham gia vào phát triển nền kinh tế nhưng chưa nhận được nhiều các chính sách hỗ trợ.

Ví dụ như một hộ kinh doanh chỉ cần sắp bàn, mở quán là phải tính thuế chứ chưa có chính sách miễn, giảm thuế trong quá trình khởi nghiệp. Trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, những hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cũng chưa có gói vay ưu đãi lãi suất. Trên thực tế, Đắk Nông đang có chính sách hỗ trợ lãi suất 0,5% cho các hộ tham gia vào hoạt động thương mại, dịch vụ là người dân tộc thiểu số khi vay tiền ở các ngân hàng thương mại với mức vay tối đa 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng chính sách này lại rất ít.

Theo ông Trần Mạnh Đương, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học tỉnh thì quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân, trong đó đặc biệt là kinh tế hộ sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Bởi vì, nhóm đối tượng này chiếm số đông trong tỷ lệ lao động tham gia vào nền kinh tế, có vai trò lớn trong giải quyết việc làm, giải phóng sức sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với Đắk Nông, trong những năm tới, kinh tế tư nhân, trong đó một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, thủy điện sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp này đã được thụ hưởng các chính sách thu hút, hỗ trợ tương xứng. Vì vậy, chúng ta cũng phải phân bổ nguồn lực tái đầu tư một cách hợp lý.

Cụ thể, nguồn thu từ tăng trưởng ở các doanh nghiệp lớn cần có sự điều tiết phù hợp để hỗ trợ cho nhóm kinh tế nhỏ lẻ. Bởi suy cho cùng, đối tượng khởi nghiệp phần lớn đều bắt đầu từ kinh doanh nhỏ lẻ như dịch vụ ăn uống, tiêu dùng, sản xuất quy mô hộ, nhóm. Nếu chúng ta có những chính sách phù hợp như miễn thuế thời gian đầu khởi nghiệp, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng hay vốn ban đầu…  sẽ tạo được động lực, niềm tin cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ phát triển. Khi nhóm đối tượng này phát triển, sẽ góp phần rút ngắn chênh lệch giàu, nghèo, đóng góp đáng kể nguồn lực cho nền kinh tế quốc dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế tư nhân: Cần quan tâm nhóm hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO