Phát triển cây mắc ca cần chú trọng về cây giống

Công Tính| 20/05/2020 09:04

Thời gian qua, giá mắc ca trên thị trường tăng cao, nên nhiều hộ dân trong tỉnh Đắk Nông đã tìm mua cây giống để trồng. Theo các chuyên gia nông nghiệp, quá trình phát triển cây mắc ca, ngoài điều kiện tự nhiên, kỹ thuật chăm sóc, việc chọn cây giống bảo đảm chất lượng là khâu rất quan trọng, quyết định thành công đối với loại cây trồng này.

ADQuảng cáo

Nguồn giống quyết định năng suất

Nói đến cây mắc ca ở Đắk Nông, nhiều người sẽ nhắc tới vùng trọng điểm Tuy Đức. Thế nhưng, thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, ngoài huyện Tuy Đức (gần 900 ha-PV), ở huyện Đắk Song, Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa cũng có thêm một số diện tích cây mắc ca được trồng (hơn 100 ha-PV).

Đại diện Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam và các doanh nghiệp tìm hiểu mô hình trồng cây mắc ca ở thành phố Gia Nghĩa

Đáng chú ý, ở thành phố Gia Nghĩa, nơi không được xem là vùng trồng cây mắc ca của tỉnh, có những gia đình đạt thu nhập khá từ cây trồng này. Gia đình bà Đinh Thị Mến, ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung, là một ví dụ. Gần 10 năm trước, gia đình bà Mến trồng 60 cây mắc ca xen với hồ tiêu và mít. Bà Mến cho rằng, tuy mắc ca ít, nhưng thu nhập lại cao. “Cả vườn cây mắc ca cho trái đều. Năm nay gia đình dự tính sẽ đạt 200 triệu đồng. Nếu so với cà phê, hồ tiêu, chăm sóc mắc ca khỏe hơn nhiều”, bà Mến phấn khởi cho biết.

Nói về cơ duyên trồng cây mắc ca, bà Mến cho biết, khi cây mắc ca chưa phát triển ở Đắk Nông, nhất là tại Gia Nghĩa, gia đình bà đã tìm hiểu và thử nghiệm trồng. Rút kinh nghiệm từ chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, gia đình bà luôn coi trọng khâu chọn cây giống.

“Thời điểm tôi trồng, giá giống cây mắc ca bán trôi nổi trên thị trường chỉ 50.000 đồng/cây. Tuy nhiên, gia đình vẫn tìm đến cơ sở uy tín để mua với giá 80.000 đồng/cây, chưa tính công vận chuyển”, bà Mến chia sẻ.

Theo bà Mến, qua thời gian trồng cho thấy, kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca không khó. Thế nhưng, có không ít hộ luôn thắc mắc, cây này cho trái không đều. “Từ thực tế ở gia đình, tôi cho rằng, để cây mắc ca cho trái đều, ngoài chất đất, khí hậu, việc chọn cây giống là rất quan trọng. Nếu cây giống không bảo đảm chất lượng sẽ rất khó để mắc ca cho trái đều”, bà Mến khẳng định.

Mặc dù vườn cây phát triển đồng đều, nhưng theo ông Điểu B’lao, bon Bu P’răng 2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức thì có cây mắc ca cho trái nhiều, cây lại rất ít

ADQuảng cáo

Cũng trồng gần 2 ha mắc ca xen hồ tiêu và cà phê, tuy nhiên, theo ông Điểu B’lao, ở bon Bu P’răng 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức), vườn cây của gia đình trái không đều. Mặc dù vườn cây mắc ca tốt, cành tán đều, nhưng có cây cho nhiều trái, cây ít, hoặc không có. Với kinh nghiệm gần 10 năm gắn bó với cây mắc ca, ông Điểu B’lao nhận thấy, nguồn giống quyết định nhiều đến năng suất cây trồng này.

Tìm hiểu các mô hình trồng, ươm cây mắc ca giống trên địa bàn tỉnh, ông Võ Duẩn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam cho rằng, ngay ở thành phố Gia Nghĩa, cây mắc ca vẫn cho trái đều. Điều này chứng tỏ Đắk Nông có nhiều vùng trồng được cây mắc ca. Nhưng thực tế năng suất mắc ca thường không đồng đều mà nguyên nhân cơ bản vẫn là do nguồn giống chứ chưa hẳn do các điều kiện tự nhiên. “Bởi vì, qua tìm hiểu, tôi nhận thấy, cây giống ở nhiều nơi bà con trồng chưa đạt chuẩn. Vì vậy, năng suất ở các vườn mắc ca trong cùng một địa bàn, nhưng rất khác nhau”, ông Duẩn phân tích.

Đắk Nông có gần 1.000 ha mắc ca

Đến năm 2019, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 1.000 ha cây mắc ca, chủ yếu được trồng ở huyện Tuy Đức. Số ít còn lại trồng ở huyện Đắk Glong và Đắk Song. Với giá trái mắc ca trên thị trường đang tăng cao, thời gian gần đây, nông dân ở huyện Tuy Đức đang đẩy mạnh chuyển đổi sang cây trồng này.

Khan hiếm nguồn giống có chất lượng

Thời gian gần đây, giá trái mắc ca trên thị trường thường trong khoảng 80.000-100.000 đồng/kg và đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Trong khi giá các loại nông sản chủ lực của tỉnh như: Cà phê, hồ tiêu xuống thấp, cây mắc ca được nhiều người quan tâm trồng. Theo đó, nhiều vườn ươm trong tỉnh cũng đã bán thêm cây giống mắc ca. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, những vườn chuyên bán cây mắc ca bảo đảm chất lượng không nhiều. Chính vì vậy, việc tìm mua cây mắc ca bảo đảm chất lượng đối với dân cũng không phải là điều dễ dàng.

Đại diện Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam và các doanh nghiệp đánh giá chất lượng cây mắc ca tại vườn ươm cây giống ở thành phố Gia Nghĩa

Gắn bó nhiều năm với cây mắc ca, ông Dương Phú Hùng, quản lý vườn ươm mắc ca Dương Gia Đắk Nông, lưu ý: Trên thị trường có rất nhiều loại cây giống mắc ca và chất lượng rất khác nhau. Không ít nông dân quan tâm chọn giá bán cây giống mà không để ý nhiều về chất lượng. Do đó, nguy cơ mua phải cây mắc ca không đạt chất lượng sẽ rất cao.

“Đơn vị hiện đang ươm 200.000 cây mắc ca, trong đó đủ điều kiện xuất bán 10.000 cây. Tuy nhiên, không phải vì xuất bán nhiều mà giá bán cây mắc ca xuống thấp được. Bởi vì, để có những cây giống đạt chuẩn, đơn vị đã phải đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, đánh giá chất lượng. Còn với những cơ sở ươm cây mắc ca trôi nổi, đương nhiên là họ không tốn nhiều chi phí, vì thế mà giá bán sẽ thấp”, ông Hùng khẳng định.  


Liên quan đến cây mắc ca, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, buôn bán cây giống. Ngoài các chương trình theo kế hoạch, đơn vị cũng tính toán thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở ươm, kinh doanh cây mắc ca, từng bước hạn chế tình trạng bán cây giống trôi nổi, kém chất lượng.      

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây mắc ca cần chú trọng về cây giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO