Phát triển bền vững hồ tiêu

19/02/2018 10:09

Nghị quyết 04 năm 2011 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khẳng định: Hồ tiêu là một trong hai cây trồng chủ lực của tỉnh. Nghị quyết định hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Tuy nhiên, thực tế sự phát triển của loại cây trồng này dường như chưa đi đúng với sự định hướng trên. Những năm gần đây diện tích hồ tiêu của tỉnh tăng cao và đã xuất hiện những bấp bênh khi phát sinh dịch bệnh, giá cả không ổn định... Về vấn đề này, Báo Đắk Nông đã sản xuất chương trình truyền hình “Phát triển bền vững hồ tiêu”.

ADQuảng cáo

Sau đây là những tóm lược nội dung của chương trình này.

Được chăm sóc đúng quy trình an toàn, vườn tiêu của gia đình chị Triệu Thị Hải ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song luôn xanh tốt

Câu chuyện từ vùng hồ tiêu Đắk Sin

Nhắc đến hồ tiêu ở tỉnh Đắk Nông, nhiều người hẳn không quên câu chuyện ở xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp.

Những năm 1999- 2000, diện tích hồ tiêu ở xã Đắk Sin đạt khoảng 1.500 ha. Thế nhưng, những năm 2005- 2006, hồ tiêu ở đây chết hàng loạt. Hiện, toàn xã còn dưới 800 ha.

Video "Thực trạng phát triển hồ tiêu ồ ạt ở Đắk Sin":

Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND xã Đắk Sin hiểu về sự thăng trầm của người trồng hồ tiêu địa phương. Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến việc hồ tiêu chết hàng loạt là do bà con chạy theo phong trào. Mọi người phát triển mạnh về diện tích mà không chú ý tới các kỹ thuật thâm canh.

Ông Dương Văn Lũy ở thôn 16, xã Đắk Sin cũng là người đã trải qua thời kỳ khủng hoảng do tiêu chết hàng loạt. Hiện tại, lứa tiêu khoảng 2 ha trồng từ năm 2001 của gia đình ông Lũy cũng có khoảng 200 trụ chết... Dù đã bỏ gần chục triệu đồng để cứu vườn tiêu, nhưng ông Lũy cũng không biết được nguyên nhân là gì. Theo ông Lũy, ông chỉ ra đại lý thuốc bảo vệ thực vật, nói tiêu bị bệnh thì người bán đưa thuốc thôi.

Gia đình ông Dương Văn Lũy, thôn 16, xã Đắk Sin có khoảng 200 trụ tiêu bị bệnh chết chậm

Thực trạng ở Đắk Sin là một ví dụ cho việc phát triển hồ tiêu ồ ạt ở tỉnh Đắk Nông. Người dân thường chạy theo diện tích, phát triển về quy mô, mà không quan tâm nhiều đến chiều sâu, chất lượng sản phẩm.

Năm 2012, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Đắk Nông đạt hơn 16.000 ha. Huyện Đắk R’lấp có 6.467 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Tiếp đó là huyện Krông Nô: 3.758 ha; huyện Tuy Đức: 2.440 ha và Chư jút: 1.740 ha. Các địa phương còn lại có diện tích hồ tiêu dưới 1.000ha...

Đến năm 2016, diện tích hồ tiêu của Đắk Nông vượt 27.000 ha, tăng hơn 11.000 ha so với 4 năm trước. Đắk Song từ một huyện có diện tích hồ tiêu gần như thấp nhất tỉnh, nhưng đến năm 2016 đã đạt 13.837 ha, hơn 46 lần so với năm 2012. Tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Đắk Nông năm 2017 đạt trên 28.500 ha, gấp hơn 2 lần diện tích quy hoạch.

Và những hệ lụy

Diện tích hồ tiêu vượt xa quy hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy cho nông dân và chính quyền. Dễ nhận thấy nhất, khi diện tích hồ tiêu tăng thì diện tích rừng cũng bị suy giảm vì nhu cầu lấy đất trồng và lấy gỗ làm trụ tiêu. Ngoài ra sức cạnh tranh cây trồng này cũng ngày càng thấp… Bởi vì, diện tích tăng nhanh cho thấy tính bền vững không cao...

Năm 2016, Đắk Nông xảy ra 155 vụ phá rừng, diện tích rừng bị phá 93,11 ha; năm 2017 có 397 vụ phá rừng bị phát hiện, diện tích bị phá 189,46 ha... Tỷ lệ che phủ rừng của Đắk Nông hiện thấp hơn trung bình toàn quốc.

Đoàn 12 huyện Đắk Song phá bỏ diện tích trồng hồ tiêu trên đất rừng lấn chiếm trái phép

Không phải tất cả các diện tích rừng bị phá là do trồng tiêu, nhưng chắc chắn việc phát triển nóng hồ tiêu đã góp phần làm cho nhiều diện tích rừng bị suy giảm. Khuynh hướng khai thác, bóc lột vườn cây như sử dụng phân hóa học quá nhiều, lạm dụng chất kích thích sinh trưởng, dùng thuốc trừ sâu quá liều để có năng suất, sản lượng trước mắt đã khiến các vườn tiêu chóng tàn lụi…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phát hiện 2/5 mẫu hạt tiêu nhiễm chất bảo vệ thực vật vượt mức quy định. Riêng về giá cả, dù thị trường có sự trồi sụt nhưng nếu giá hồ tiêu sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế vẫn bảo đảm tỉnh tính bền vững (năm 2017, giá 135.000 đồng/kg trở lên) thì giá hồ tiêu canh tác theo truyền thống bị sụt giảm sâu nhất trong vòng 10 năm lại đây (trung bình chỉ đạt  khoảng 80.000 đồng/kg).

ADQuảng cáo

Sản xuất hồ tiêu bền vững ở HTX Đồng Thuận

Video "Sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại HTX Đồng Thuận":

Thời gian qua, cứ hàng tháng là các thành viên HTX Đồng Thuận, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp đều gặp mặt để bàn bạc các công việc chăm sóc cho hồ tiêu và trao đổi kinh nghiệm tại vườn cây.

Anh Đào Duy Hải, Giám đốc HTX tâm sự: Điều khác biệt nhất của tiêu sinh thái là không được dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ…

Thành viên HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp bón phân hữu cơ

Để có phân bón, các hộ dân trong HTX kết hợp trồng cỏ ở vườn tiêu để chăn nuôi bò. Phân bò ủ với các chế phẩm rồi bón lại cho vườn cây. Đây là nguồn phân bảo đảm chất lượng, hạn chế rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng các nguồn phân bón khác trên thị trường.

Theo ông Đặng Tấn Huynh, người có 2 ha hồ tiêu hữu cơ cho rằng, các công đoạn chăm sóc được ghi chép, lưu trữ rõ ràng.  Mục đích của nó là để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Từ chỗ chỉ có 5 thành viên vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2017, HTX Đồng Thuận đã có 12 thành viên với diện tích hồ tiêu sản xuất hữu cơ gần 30 ha.  Sản phẩm làm ra vượt qua hàng rào tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước Châu Âu. Trong lúc giá hồ tiêu của tỉnh có lúc giảm xuống mức 75.000 đồng/kg thì đơn vị vẫn bán cho doanh nghiệp liên kết với giá 120.000 đồng- 135.000 đồng /kg.

Biên tập viên Báo Đắk Nông trong chương trình “Phát triển bền vững hồ tiêu”

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để phát triển bền vững hồ tiêu thì tỉnh không phát triển thêm về diện tích. Thực hiện Đề án phát triển bền vững hồ tiêu đến năm 2020 định hướng 2030, tỉnh khuyến khích canh tác theo hướng an toàn, tập trung xây dựng các cơ sở chế biến tại huyện Đắk R’lấp, Đắk Song…

Gợi mở những hướng đi

Hiện tại, trong cả nước xuất hiện nhiều câu lạc bộ, hợp tác xã phát triển bền vững cây hồ tiêu. Điểm chung là các đơn vị đều liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để tạo đầu ra ổn định.

Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, trước hết phải xóa bỏ được tư tưởng canh tác nhỏ lẻ của người nông dân. Qua liên kết sẽ có những vườn  tiêu đồng nhất và sẽ tạo ra các sản phẩm đồng nhất… Còn theo Tiến sĩ-Trương Hồng, Viện trưởng Viện KHKT Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên thì người nông dân cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ; các chế phẩm sinh học trong kiểm soát sâu bệnh hại đối với cây hồ tiêu thì chắc chắn sẽ cho sản phẩm tốt...

Để giữ vị thế cây hồ tiêu, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nhận định:“Phải làm thế nào để hạn chế bán ra khi giá xuống. Hiện Việt Nam chưa có một tổ chức hay đơn vị nào kêu gọi mức giá nào thì người nông dân nên dừng bán. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp trong việc sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu”.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Đắk Nông mới chỉ có khoảng 180 ha/28.500 ha hồ tiêu sản xuất theo hướng bền vững. Tỷ lệ  sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững hiện còn rất khiêm tốn.

Hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng và xu hướng chung của người tiêu dùng là cần sản phẩm chất lượng cao. Do vậy, người nông dân Đắk Nông cũng không thể đứng ngoài xu hướng chung này.

Video clip:

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững hồ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO