Phập phồng... nuôi heo (kỳ 1): Trước nguy cơ phá sản

Nhóm PV kinh tế| 17/05/2017 09:44

Với việc giá heo giảm sâu nhiều tháng liên tiếp kể từ đầu năm 2017 đến nay, ngoài thiệt hại lớn thuộc về các trang trại, hộ chăn nuôi và câu hỏi đặt ra là bao giờ chúng ta mới thôi "phập phồng" về thị trường, đầu ra của sản phẩm? Một lần nữa câu chuyện về quy hoạch, cơ chế, chính sách, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị... của ngành chăn nuôi lại được xới lên, đặt ra nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết.

ADQuảng cáo

Đến nay, đã gần 6 tháng giảm giá sâu, thị trường đầu ra cho sản phẩm heo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa ghi nhận những dấu hiệu tích cực; người chăn nuôi vẫn đang “phập phồng” trước nguy cơ phá sản.

Sau thời gian khá dài, giá heo xuất chuồng tương đối bình ổn ở mức 38.000 đến 40.000 đồng/kg thì đến thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, giá heo bắt đầu “tụt dốc không phanh” khiến người chăn nuôi điêu đứng.

Nhiều trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang gặp khó vì giá heo xuống thấp và việc tổ chức thu mua của các công ty chậm. Ảnh: Đ.D

Bán xong phải “treo” chuồng

Những ngày này, đến thăm các trang trại chăn nuôi heo gia công cho các công ty thức ăn gia súc hay trại chăn nuôi heo nông hộ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều gặp bầu không khí ảm đạm, kém vui do giá heo giảm mạnh. Nhiều người ngao ngán cho biết nếu heo bán được cũng lỗ mà kéo dài thời gian nuôi để cầm cự chờ giá tăng lại càng lỗ hơn. Nhiều hộ trước đây khá giả lên nhờ việc bán heo giống, heo thịt thì thời điểm này họ đang đứng trước nguy cơ “treo” chuồng, bỏ nghề nếu giá heo cứ tiếp tục “chạm đáy” kéo dài.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) nhiều năm nay có được đồng ra, đồng vào là nhờ vào chuồng heo thịt quy mô trên 30 con. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, giá heo cứ giảm dần, có thời điểm thương lái vào trả giá 16.000 đồng/kg khiến bà vô cùng hụt hẫng.

Bà Nga cho hay: “Gia đình tôi chủ yếu đi mua con giống về nuôi nên tất cả các khoản từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y đều phải đầu tư. Do đó, nếu giá bán ở mức 30.000 đồng/kg đã lỗ rồi, đằng này giá cả xuống thấp quá mức thì sau khi xuất chuồng đàn heo này là tôi không còn khả năng để tái đàn”.

Không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó mà các trang trại chăn nuôi heo gia công với số lượng đàn lên đến hàng ngàn con cũng lâm vào cảnh tồn đọng không xuất chuồng được vì lệ thuộc vào đầu ra của các công ty đầu tư giống.

Điển hình như trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, thôn 2, Đắk Ha (Đắk Glong) mỗi lứa nuôi gia công với số lượng hơn 2.000 con heo. Hiện nay, gia đình ông Hòa có 4 trại chăn nuôi, trong đó có 2 trại có số lượng đàn trên 2.000 con đã hơn 6 tháng, quá thời gian xuất chuồng hơn 1 tháng. Hai trại còn lại đàn heo còn nhỏ.

Ông Hòa cho biết: “Hiện nay, do giá cả bấp bênh, đầu ra khó nên công ty bán chậm khiến đàn heo tôi nuôi quá thời gian xuất chuồng đã đội giá đầu tư, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. Khi đàn heo tiêu tốn nhiều thức ăn thì đồng nghĩa chúng tôi chỉ còn cách lấy công làm lãi chứ không có khoản thu nào khác, kể cả tiền thưởng từ phía công ty”.

Người chăn nuôi vẫn “đơn thương độc mã”

Chưa đến mức phải tính chuyện “treo” chuồng nhưng chị Nguyễn Thị Thành, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng đang chật vật để gắng gượng duy trì trang trại heo với quy mô 500 heo thịt.

ADQuảng cáo

Vẻ mặt buồn rầu, chị Thành cho biết: “Mặc dù tự sản xuất con giống để giảm giá thành đầu vào song với giá heo hơi ở mức 26.000 đồng/1kg như hiện nay thì chưa tính công chăm sóc, một tạ heo hơi, tôi cũng đã phải chịu lỗ 700.000 đồng. Mặc dù biết lỗ nhưng tôi không thể bỏ bê vì đã đầu tư vào bao nhiêu tiền của nên đành phải gắng gượng để chống chọi. Hàng ngày, tôi vẫn phải chi phí cho heo ăn đầy đủ, làm vắcxin và phòng dịch theo quy định”.

Lỗ nặng đã đành, trong lúc điêu đứng, điều đáng buồn hơn đối với những người chăn nuôi như chị Thành là phải “đơn thương, độc mã” chứ không nhận được sự hỗ trợ, động viên nào từ các phía. Ngay cả công ty cung cấp cám, với quan hệ làm ăn gần 10 năm nay, mỗi tháng chị Thành mua hơn tỷ đồng tiền cám nhưng khi gặp khó khăn, mặc dù "nài nỉ" đến mấy thì nhà cung cấp thức ăn gia súc không cho trả chậm dù chỉ một ngày. Thậm chí, mỗi kg cám hiện nay cũng chỉ giảm 200 đồng so với thời điểm heo chưa rớt giá. Mức giảm này cũng chỉ gọi là có lệ chứ không giải quyết được gì so với thua lỗ mà người dân đang gánh chịu. Ngoài cám thì các chi phí khác như vắcxin và các loại thuốc phòng, trừ bệnh cho heo cũng không hề giảm.

Cũng theo chị Thành thì khi không nhận được sự chia sẻ từ đại lý cung cấp thức ăn gia súc, gia đình đành phải đem “sổ đỏ” nhà cửa, rẫy vườn đi cầm cố ngân hàng để vay 700 triệu đồng về tiếp tục đầu tư cho đàn heo. Khi thế chấp “sổ đỏ” để vay vốn, chị nói  mục đích vay để đầu tư nuôi heo thì ngân hàng không cho đành phải vay theo gói tiêu dùng với lãi suất 11%/năm. Còn thương lái mua heo thì không nói làm gì. Lúc heo “sốt” giá, họ coi người chăn nuôi như “vàng”, còn những lúc thế này, họ ra sức ép giá. Thậm chí có hộ chăn nuôi còn nói, lúc làm ăn thuận lợi thì thấy đoàn này, đoàn kia đến thăm mô hình, còn những lúc như thế này chẳng thấy ai hỏi lấy một câu?.

Đúng là người chăn nuôi đang phải “đơn thương độc mã” để chống chọi trước khó khăn này với mong muốn heo tăng giá chút đỉnh, ít nhất cũng ở mức huề vốn để có sức cầm cự tiếp. Còn nếu cứ đà này, ngay cả người trường vốn cũng phải “đầu hàng”.

Mặc dù giá giảm sâu nhưng người nuôi heo ở thôn 4, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) vẫn không thể bỏ bê, vẫn duy trì các hoạt động chăn nuôi chờ giá heo sớm tăng. Ảnh: Đ.D

Và thuyết…”ba ăn hai”

Không chỉ lần giá heo giảm sâu kỷ lục này mới thấy tính bấp bênh trong chăn nuôi của người nông dân mà yếu tố này đã tiềm ẩn từ lâu, như là “căn bệnh trầm kha” mỗi khi cung - cầu “đỏng đảnh”. Cũng chính vì vậy, những người chăn nuôi kinh nghiệm đã đưa ra thuyết “ba ăn hai” để hạch toán trong đầu tư.

Sau nhiều năm nuôi heo, anh Mai Văn Tuế, ở phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa đã rút ra kinh nghiệm là chăn nuôi heo chỉ mong ba được hai là tốt rồi. Bởi vì, cứ 3 lứa heo xuất chuồng, kiểu gì người chăn nuôi cũng gặp một “vố” thua lỗ. Đây dường như trở thành quy luật không biết khách quan hay chủ quan nhưng thực tế đã chứng minh. Bởi nếu nuôi nhiều, người chăn nuôi không gặp rủi ro về giá cũng gặp rủi ro về dịch bệnh. Chỉ biết, cứ theo quy luật này để người chăn nuôi “né” được chừng nào hay chừng ấy.

Theo phân tích, vài năm trở lại đây, giá heo tương đối ổn định ở mức người chăn nuôi có lãi. Tỷ lệ các đợt heo xuất chuồng có lãi tăng lên. Từ đây đã kéo theo lượng đàn tăng khá nhanh, nhất là sự tham gia của các mô hình nuôi heo gia công với quy mô lớn. Thế nhưng đến một lúc nào đó, làn sóng tăng đàn này cũng sẽ bị chững lại bởi một cơn “chấn động về giảm giá”. Cơn chấn động này thường tỷ lệ thuận với làn sóng của tăng đàn như một chu kỳ khách quan.

Từ đây, xét trên lý thuyết thì đợt giảm giá sâu và kéo dài ở thị trường heo thương phẩm lần này cũng không vượt khỏi quy luật “ba ăn hai”, chỉ có quy luật này diễn ra với chu kỳ dài hơn… Từ lập luận này, hiện nhiều người nuôi heo cũng đang dồn hết lực cố gắng cầm cự, duy trì đàn một phần mong sớm qua “cơn bĩ cực”. Có người còn tính chuyện mua heo giống vào thời điểm này để nuôi vì giá rẻ để giảm chi phí đầu vào, hy vọng giá heo sẽ sớm tăng trở lại vì lượng đàn giảm mạnh sau đợt này.

Rõ ràng, suy luận trên của người chăn nuôi cũng chỉ là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn để ứng phó với vô vàn rủi ro tiềm ẩn như dịch bệnh, thị trường đầu vào, đầu ra thiếu ổn định. Đây cũng là minh chứng cho sự lệ thuộc, bất cập của ngành chăn nuôi hiện nay.

>>Kỳ 2: Đủ cách để…tự cứu mình

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phập phồng... nuôi heo (kỳ 1): Trước nguy cơ phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO