Ông “Thanh khuyến nông”

Nguyễn Lương| 26/11/2015 09:22

Về xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) không hộ nông dân nào là không biết đến ông Nguyễn Duy Thanh bởi không chỉ là cán bộ khuyến nông xã luôn bám sát địa bàn mà ông còn là người nhiệt tình, cởi mở mỗi khi làm việc với bà con.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Duy Thanh (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi cà phê cho người dân bon Bu Bir, xã Quảng Tín

LUÔN GẦN GŨI DÂN

Hơn 9 năm làm công tác khuyến nông cũng là khoảng thời gian ông Thanh gắn bó với nông dân tại địa bàn. Theo lời kể của ông Thanh, lúc mới đảm nhận công việc, ông gặp không ít khó khăn, áp lực. Do đặc thù của địa bàn là có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên ngoài sự bất đồng về ngôn ngữ thì tập quán canh tác của bà con cũng là vấn đề nan giải. Xác định được khó khăn này, hàng ngày, sau khi lên UBND xã giải quyết xong công việc, ông lại liên hệ với bà con để vào xem từng mảnh vườn, khu rẫy.

Chiếc xe máy “cà tàng” chính là “người bạn đường" cùng ông mang theo nhiều kiến thức về mô hình trồng trọt, chăn nuôi đến với từng hộ nông dân. Tùy theo điều kiện kinh tế của các hộ, ông bắt đầu tư vấn, hỗ trợ bà con lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Nói về công việc của mình, ông Thanh cho biết: “Công việc của người cán bộ khuyến nông đòi hỏi phải nắm bắt trên nhiều lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp. Do vậy, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bản thân mình phải luôn nỗ lực và có tinh thần trách nhiệm cao đối với nông dân và hiệu quả của sản xuất”.

Có lẽ thế mà hàng tháng, ông đều tổ chức gặp mặt đội ngũ khuyến nông viên các thôn, trưởng bon trong xã để nắm bắt tình hình sản xuất và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, ngoài việc truyền đạt lại những kiến thức thu thập được từ những lớp tập huấn cấp trên hay trên sách báo, ông Thanh còn đứng ra kiến nghị với chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào đầu tư thâm canh. Đối với tình hình sản xuất của từng thôn, bon, ông nắm rất sát, từ đó, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp.

ADQuảng cáo

Nhờ những nỗ lực đó, thời gian qua, nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đã từng bước được người dân mạnh dạn áp dụng vào thực tế như chuyển đổi vườn điều kém hiệu quả, tái canh cà phê, chăn nuôi gà thả vườn, bò cái sinh sản, bò đực giống, heo thịt…

Theo ông Điểu Son, bon Bu Bir thì trong sản xuất, hễ gặp những vấn đề khó, người dân nơi đây thường trực tiếp gặp hỏi “bác Thanh”. Lúc nào cũng vậy, ngoài được giải đáp cặn kẽ về cách phòng trị, xử lý, “bác Thanh” còn tư vấn để nhiều hộ dân có hướng đầu tư, sản xuất có hiệu quả.

VẪN CÒN NHIỀU TRĂN TRỞ

“Cuộc sống của bà con ở đây, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn vất vả lắm. Làm thế nào để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó, giúp bà con ổn định cuộc sống là điều không dễ thực hiện”- ông Thanh tâm sự. Thực tế, khó khăn lớn nhất của bà con hiện nay vẫn là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bởi còn không ít hộ gia đình trên địa bàn vẫn còn nặng về tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống.

Mặt khác, trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi thì sự định hướng về thị trường vẫn còn là “bài toán khó” mà người dân chưa thể tìm được lời giải. Vì thế, thời gian tới, ngoài nỗ lực của địa phương, ông mong muốn các cấp, ngành tiếp tục phối hợp với các công ty lớn để liên kết, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nâng cao hơn nữa kiến thức sản xuất cho bà con.

Ông Thanh cho biết thêm: “Trong quá trình sản xuất, không chỉ cần sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật mà được biết đến thông tin, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là điều cấp thiết đối với nông dân. Do vậy, việc đẩy mạnh liên kết bốn nhà để mở các cuộc hội nghị, hội thảo tư vấn kỹ thuật, cũng như phối hợp với nông dân về đầu ra sản phẩm là rất cần thiết”.

Theo ông Phan Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín, với công việc, ông Thanh không những nhiệt tình, năng động mà còn có trách nhiệm cao nên được nông dân rất tín nhiệm. Còn về phía địa phương, cũng nhờ có sự tham mưu, đề xuất kịp thời của ông mà xã đã đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông “Thanh khuyến nông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO