Nông sản Đắk Nông chật vật khẳng định "tên tuổi" (kỳ 3): Làm gì để cung gặp được cầu

Lê Dung| 01/06/2020 09:26

Muốn khẳng định được tên tuổi và có chỗ đứng tốt trên thị trường, nông dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông còn phải cố gắng thêm nhiều khâu để nâng tầm giá trị nông sản, đáp ứng các điều kiện khắt khe từ các kênh phân phối hiện đại...

ADQuảng cáo

Hỗ trợ thông tin cho người sản xuất

Sản phẩm bưởi, sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Bá Tòng, ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), có uy tín trên thị trường gần 10 năm nay. Ngoài kênh bán online chủ yếu, gia đình cũng được nhiều bạn hàng đến tận vườn thu mua. Ông Tòng chia sẻ: “Hiện giờ, chúng tôi đang chờ chứng nhận VietGap cho vườn cây ăn trái. Bước tiếp theo cần thêm những điều kiện gì để có thể gia nhập vào các kênh phân phối hiện đại ? Chúng tôi đang cần được hỗ trợ thông tin để biết và đáp ứng các điều kiện của họ”.

Trái cây của gia đình ông Nguyễn Bá Tòng ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) đang chờ để được chứng nhận VietGap      

Trang trại trái cây sạch ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cũng đang tìm đường vào kênh phân phối hiện đại. Bà Lê Thị Kim Liên, chủ trang trại cho biết, hiện nay, sản phẩm mít Thái, bơ của trang trại đã được cấp giấy chứng nhận VietGap. Trang trại cũng đã hoàn thiện đầy đủ các chứng nhận kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem mã truy xuất nguồn gốc. Có thể nói là “hành trang” để vào kênh phân phối hiện đại đã được đơn vị chuẩn bị sẵn sàng. Trang trại mong muốn làm sao có thể kết nối được với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại để bổ sung, hoàn thiện đầy đủ nhất các thủ tục trước khi tham gia vào hệ thống. "Chúng tôi chưa quen "đường đi nước bước" trong những vấn đề này, nên rất cần được hỗ trợ", bà Liên cho biết.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp bon N’ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cũng sẽ định hướng đưa sản phẩm củ cải đường vào các hệ thống bán lẻ hiện đại. Bởi đây là sản phẩm có thể sản xuất quanh năm, thời gian thu hoạch chỉ trong vòng 50 ngày. Hiện tại, một công ty của Nhật Bản đã phối hợp với HTX để lấy mẫu đất, nước để kiểm nghiệm và đang cho trồng thử 7 sào củ cải đường. HTX mong muốn sẽ được kết nối thông tin để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trước khi sản phẩm được sản xuất đại trà.

Dẫn dắt để cung gặp được cầu

Có rất nhiều điều kiện vào hệ thống phân phối hiện đại, nhưng người sản xuất lại đang không có đủ các thông tin. Do đó, người dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản mong muốn sớm được đẩy mạnh kết nối cung - cầu.

Dự kiến tháng 6/2020, sản phẩm cà phê các loại của Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) sẽ vào hệ thống Siêu thị Co.opMart Đắk Nông

ADQuảng cáo

Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) đang là đơn vị cung ứng sản phẩm cà phê các loại cho gần 90% cửa hàng thức uống trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã xây dựng được 20 cửa hàng trưng bày, kinh doanh trong cả nước. Ngoài ra, sản phẩm đã tham gia 2 hệ thống bán lẻ hiện đại mô như: AloFood, KingFood. Có thể nói, đây là đơn vị có chuỗi cung ứng khá mạnh. Tuy nhiên, khách hàng truyền thống hiện nay lại tập trung vào các sản phẩm cà phê tiện lợi. Trong khi đó, điều kiện của doanh nghiệp lại chỉ tập trung cho các sản phẩm cà phê hạt, bột. Do đó, sản phẩm cà phê của công ty chưa thể "đấu nối" hoàn hảo được với thị trường. Nguyên nhân chính là do trong quá trình sản xuất, công ty thiếu các dữ liệu thông tin chính xác về thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty cho biết: “Thị trường các sản phẩm nông sản đã có, nhưng chưa bền vững. Để 2 bên sản xuất và tiêu thụ có "tiếng nói chung", rất cần những chương trình kết nối cung - cầu hiệu quả, nhất là với những hệ thống phân phối hiện đại trong cả nước. Từ đó trực tiếp đàm phán để các hệ thống có thể linh hoạt trong các chính sách, hỗ trợ tiêu thụ tốt nhất cho nông sản của địa phương”.

Theo ông Lê Trung Nhã, Giám đốc Co.opMart Đắk Nông, hiện nay, người sản xuất đang rất thiếu thông tin về nhu cầu của hệ thống phân phối hiện đại. Thêm nữa, do người dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên còn thiếu nhiều điều kiện để gia nhập kênh phân phối hiện đại. Trong khi đó, quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán. Do đó, để vào được siêu thị, đại lý bán lẻ hiện đại, người dân, doanh nghiệp cần phải bảo đảm được các điều kiện như: Quy trình canh tác, các giấy tờ chứng nhận quản lý chất lượng, sản lượng tiêu thụ...

Trang trại trái cây sạch ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đang tìm đường vào kênh phân phối hiện đại

Được biết, thời gian qua, Sở Công thương đã có nhiều chương trình kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh. Nhiều người dân, doanh nghiệp đã tham gia, hoặc gửi sản phẩm tham dự tại các hội chợ, triển lãm. Nhiều đơn hàng được thiết lập sau những sự kiện kết nối cung-cầu này. Tuy nhiên, ở các kênh phân phối hiện đại, nông sản của Đắk Nông lại chưa có nhiều cơ hội để được tiếp cận.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là các điều kiện của nhà phân phối chưa có đơn vị sản xuất nào của tỉnh đáp ứng được. Vì vậy, trong thời gian tới, các chương trình kết nối cung- cầu cũng sẽ được đơn vị nghiên cứu tổ chức theo hướng chuyên sâu hơn nữa. Trước tiên, đơn vị sẽ phối hợp để tổ chức riêng một chương trình kết nối cung- cầu giữa các nhà cung ứng của tỉnh với các hệ thống phân phối hiện đại trong cả nước. Qua đó, đơn vị sẽ nắm cụ thể các thông tin về nguồn cung, nhu cầu và hỗ trợ các bên cùng tháo gỡ các khó khăn, để cung gặp “trúng” cầu sau quá trình đàm phán.

Trong năm 2020, ngành Công thương sẽ triển khai 7 đề án xúc tiến thương mại địa phương, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ 1,7 tỷ đồng; còn lại là kinh phí từ nguồn vốn xã hội hóa. Phần lớn các đề án tập trung vào những nhiệm vụ như: Tổ chức tham gia Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác; tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tại thành phố Gia Nghĩa; tham dự Hội chợ khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nam bộ; giới thiệu doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh…

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp, nhà phân phối cùng với cầu nối của ngành chức năng, các bên sẽ có được tiếng nói chung trong việc đưa nông sản Đắk Nông vào những kênh phân phối hiện đại, có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường. Qua đó góp phần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và ổn định giá cả, đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Đắk Nông chật vật khẳng định "tên tuổi" (kỳ 3): Làm gì để cung gặp được cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO