Nông sản Đắk Nông chật vật khẳng định "tên tuổi" (kỳ 2): Vắng bóng tại các kênh phân phối hiện đại

Lê Dung| 29/05/2020 09:22

Một điều dễ nhận thấy, khi tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại, các mặt hàng sẽ hưởng được nhiều lợi thế, nhất là khâu quảng bá, giúp sản phẩm có uy tín hơn so với những kênh khác. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các sản phẩm nông sản của Đắk Nông vẫn chưa có được chỗ đứng chính thống trong những hệ thống phân phối này.

ADQuảng cáo

 Mất “vé” ngay trên sân nhà

Đắk Nông là địa phương có số chủng loại sản phẩm nông sản rất phong phú. Thế nhưng, một điều nghịch lý là các sản phẩm nông sản của Đắk Nông vẫn vắng bóng trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh.

uNông sản ở Siêu thị Co.opMart Đắk Nông chủ yếu được nhập về từ các tỉnh, thành khác

Cửa hàng lương thực thực phẩm thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Bình Tây (TP. Hồ Chí Minh) tham gia kinh doanh bán lẻ tại huyện Đắk R’lấp được gần 10 năm nay. Đây là kênh phân phối, bán lẻ khá uy tín và trải rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tại đây, mặt hàng cung ứng khá đa dạng, riêng về nông sản chiếm tới 20-30%. Dù có cửa hàng ở Đắk R'lấp, nhưng thời gian qua, vẫn chưa có một sản phẩm nông sản nào của Đắk Nông vào được hệ thống của công ty này. Hầu hết các sản phẩm nông sản như: Tiêu, cà phê, ca cao, gạo, điều… mà công ty đang bán ra cho người tiêu dùng trên địa bàn đều được nhập về từ các tỉnh miền Tây, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Huấn, Giám đốc Chi nhánh Cô ty Cổ phần Bình Tây cho biết: “Đơn vị rất muốn có các sản phẩm nông sản của địa phương được lên kệ của cửa hàng để hỗ trợ bà con, doanh nghiệp tiêu thụ. Điều này cũng giúp đơn vị thuận tiện, chủ động hơn khi cần gấp nguồn hàng và giảm được các chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, đến nay Đắk Nông vẫn chưa có sản phẩm nào "lọt" qua cửa. Thời gian qua, có nhiều đơn vị trên địa bàn Đắk Nông đến chào hàng, nhưng hầu hết các sản phẩm của họ đều không đáp ứng được các điều kiện của hệ thống”.

Cửa hàng Lương thực thực phẩm thuộc Chi nhánh Công ty Bình Tây TP. Hồ Chí Minh (Đắk R’lấp) không có sản phẩm nào của Đắk Nông được bày bán

Tại Siêu thị Co.opMart Đắk Nông cũng vậy, mặt hàng nông sản ở đây khá phong phú như: Rau, củ, trứng, thực phẩm các loại… Khi mới đi vào hoạt động, đơn vị đã phối hợp cùng Sở Công thương làm việc trực tiếp với các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh để tìm kiếm nguồn cung tại chỗ. Kết quả, thời gian đầu cũng được một vài sản phẩm rau, củ đủ tiểu chuẩn đưa vào siêu thị. Thế nhưng, đến nay hầu như không có sản phẩm nào vào được Co.opMark.

Ông Lê Trung Nhã, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Đắk Nông cho biết: “Nông sản đang chiếm số lượng lớn và có mức tiêu thụ ổn định, nhưng hiện đều đang được đơn vị nhập về từ các địa chỉ uy tín ở ngoài tỉnh”.

Chưa nói về chất lượng, nhưng việc vắng bóng trong những hệ thống bán lẻ uy tín trên địa bàn cho thấy, nông sản của Đắk Nông đã mất đi nhiều cơ hội phát triển ngay trên "sân nhà".

ADQuảng cáo

Chưa đáp ứng được các điều kiện khắt khe

Hiện nay, hệ thống các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng vẫn đang có chính sách khuyến khích nhập hàng hóa của địa phương. Song, để vào được những kênh bán lẻ uy tín này đang là "bài toán" khá gian nan đối với nông sản Đắk Nông...

HTX Dịch vụ nông nghiệp bon N’Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có hơn 10 năm sản xuất khoai lang Nhật Bản. Điều mong mỏi nhất của đơn vị là làm sao hàng hóa có thể vào được hệ thống các siêu thị để ổn định về giá cả và đầu ra cho bà con. Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX cho biết: “Trước đây, đơn vị cũng đã làm việc với Siêu thị Co.opMart để đưa sản phẩm khoai lang vào hệ thống này. Tuy nhiên, do đối tác yêu cầu mỗi ngày phải cung ứng 1 tấn sản phẩm, nên đơn vị không thể đáp ứng được. Bởi hiện tại, mặc dù diện tích sản xuất của HTX khá lớn, với gần 250 ha, nhưng sản lượng khoai mỗi vụ không ổn định, lúc nhiều, lúc ít. Vì vậy, đơn vị phải tìm kênh tiêu thụ khác”.

Khoai lang Nhật Bản của HTX Dịch vụ Nông nghiệp bon N'Ting, xã Quảng Sơn chưa vào được siêu thị do không đảm bảo về sản lượng

Tương tự, Công ty TNHH Hoàng Phát (Đắk Mil) cũng đã hướng sản phẩm cà phê bột tới hệ thống các siêu thị ở Hà Nội, nhưng không thành công. Bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty cho biết: “Do mức chiết khấu tại siêu thị quá cao, khoảng 10% giá trị sản phẩm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ sản phẩm của đơn vị lại không nhiều. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tự quản lý hạn sử dụng, tự kiểm tra và đổi hàng, cộng thêm việc đi lại, vận chuyển xa xôi… Những chi phí này sẽ đẩy giá sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp lên khoảng trên 20%. Về cơ bản, các thủ tục,  điều kiện khi vào được hệ thống này khá khắt khe, nên doanh nghiệp vẫn chưa đủ điều kiện để tham gia”.

Ông Lê Trung Nhã, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Đắk Nông cũng cho biết: Thực trạng trên chính là những khó khăn chung mà nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông đang gặp phải. Việc đưa hàng hóa vào siêu thị phải trải qua nhiều quy trình; trong đó, khâu hoàn thiện hồ sơ ban đầu có vai trò quyết định. Mặc dù người sản xuất có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng chỉ cần không có, hoặc thiếu các giấy tờ liên quan thì vẫn không thể đưa hàng vào được siêu thị.

Ông Nguyễn Huấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Bình Tây cũng cho rằng, các sản phẩm của Đắk Nông muốn vào được hệ thống tiêu thụ hiện đại luôn phải xuất được hóa đơn, bằng không sẽ không có cách nào "chen chân" được với các sản phẩm của các tỉnh, thành bên ngoài.

Theo Sở Công thương, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh Đắk Nông dự kiến đạt 5.132 triệu USD, đạt 118,77% kế hoạch đề ra. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu đã được tăng lên và tập trung cho các mặt hàng chủ lực như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF, alumin… Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đa số nông dân và doanh nghiệp cho rằng, tuy sản lượng tiêu thụ ở các siêu thị không cao, nhưng bù lại sẽ được quảng bá hình ảnh rộng rãi hơn. Vì ở đó, sản phẩm của nông dân, doanh nghiệp được bày bán trong một hệ thống, mức độ phổ biến hình ảnh sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, để vượt qua được các điều kiện khắt khe của các hệ thống phân phối hiện đại thì họ phải cần nhiều thời gian và sự đầu tư bài bản hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Đắk Nông chật vật khẳng định "tên tuổi" (kỳ 2): Vắng bóng tại các kênh phân phối hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO