Nông sản Đắk Nông chật vật khẳng định "tên tuổi"

Lê Dung| 28/05/2020 09:14

Đáp ứng được yêu cầu về cả số lượng và tiêu chuẩn chất lượng, nhưng hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản của Đắk Nông vẫn rất gian nan trên đường vào hệ thống phân phối hiện đại. Những quy trình thủ tục khắt khe, cộng với các yếu tố về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… đang là những rào cản hiện hữu, đòi hỏi người sản xuất phải có chiến lược phát triển sản phẩm mang tính bền vững.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Loay hoay tìm thị trường

Nông sản Đắk Nông ngày càng đa dạng về mẫu mã, chủng loại, bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nông dân, đơn vị sản xuất vẫn còn loay hoay trong việc tìm đầu ra cho chính sản phẩm của mình.

Quy trình sản xuất được chú trọng đầu tư

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản từ khâu sản xuất tới chế biến đều đã và đang được các đơn vị sản xuất chú trọng đầu tư một cách bài bản, có chất lượng cao.

Bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Bá Tòng ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp)

Gia đình ông Nguyễn Bá Tòng, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) hiện đang trồng gần 10 ha cây ăn trái các loại, bao gồm: Bưởi, sầu riêng, cam không hạt, măng cụt, bơ, mít ruột đỏ… Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 3 tấn bưởi, 20 tấn sầu riêng và vài tạ cam... Quy trình canh tác được ông Tòng thực hiện theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc, phân bón hóa học. Đầu năm 2020, gia đình ông Tòng cũng đã hoàn thiện xong các thủ tục và đang chờ để được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP cho vườn cây ăn trái.

Ông Tòng cho biết: “Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt nhất, an toàn nhất và đa dạng chủng loại nhất, ngoài việc tuân thủ các điều kiện canh tác theo tiêu chuẩn, gia đình tôi cũng đang đưa nhiều giống cây ăn trái mới vào trồng xen trên cùng một diện tích và bước đầu cho kết quả khá tốt”.

Về phía các doanh nghiệp chế biến cũng vậy. Là đơn vị có thâm niên trong lĩnh vực chế biến cà phê bột gần 15 năm nay, mỗi năm, Công ty TNHH Hoàng Phát (Đắk Mil) đang sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 50 tấn sản phẩm các loại. Cùng với việc mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, đơn vị còn thường xuyên cập nhật và cải tiến, áp dụng các trang thiết bị, máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất. Từ khâu chọn và thu mua nguyên liệu cho đến đầu tư bao bì, nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc… đều sớm được công ty chú trọng làm bài bản theo quy trình.

Nhờ chất lượng bảo đảm, sản phẩm uy tín, nên nhãn hiệu cà phê “Hoàng Gia Phú” của công ty luôn được nhiều đối tượng khách hàng đón nhận. Bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất, đóng gói theo nhiều kiểu dáng, chủng loại khác nhau. Mọi công đoạn sản xuất đều được tối ưu hóa nên giảm nhiều chi phí cho sản phẩm, bảo đảm giá và chất lượng tốt nhất khi tới tay người tiêu dùng”.

Vẫn chật vật tìm đầu ra

ADQuảng cáo

Dù các sản phẩm hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh được đầu tư bài bản, chất lượng ngày càng được nâng cao, nhưng hầu hết vẫn đang bị động với thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn, hạt và dầu mắc ca, shachi của Công ty TNHH Macca Shachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) hiện đã được chứng nhận đầy đủ về chất lượng. Số lượng các mặt hàng sản xuất và đưa ra thị trường mỗi tháng của doanh nghiệp đạt tầm 3-4 tấn. Sản phẩm hiện đang có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Công ty TNHH Macca Shachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đang tự mày mò tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của đơn vị

Tuy nhiên, đa phần thị trường của các sản phẩm tại đơn vị hiện vẫn chỉ cung ứng cho các cửa hàng, đơn vị nhỏ lẻ hoặc bán rải rác qua những kênh như Zalo, Facebook. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty cho biết: “Là sản phẩm mới, nên việc tìm được thị trường khá vất vả. Chúng tôi hiện đang đi tất cả các kênh, miễn sao có thể giới thiệu và tiếp cận được khách hàng ổn định nhất. Hiện tại, do thị trường chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nên doanh nghiệp rất cực trong khâu đóng gói, vận chuyển. Một số đơn hàng xuất đi nhiều lúc cũng chỉ trông chờ vào may rủi. Có khi gặp khách hàng khó tính, nhiều đơn bị trả lại là chuyện bình thường”.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh Đắk Nông trong năm 2019 thực hiện đạt 327.119,5 ha, tăng 1,92% so với năm trước. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng cây ngắn ngày 110.427,5 ha; tổng diện tích cây trồng dài ngày 216.692 ha. Về sản lượng các loại cây trồng của tỉnh: Cây lương thực hơn 437 nghìn tấn; củ tinh bột 270,9 nghìn tấn; rau xanh 63,5 nghìn tấn; đậu các loại 16,6 nghìn tấn…

Công ty TNHH Hoàng Phát (Đắk Mil) cũng khá chật vật trong vấn đề tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cà phê bột. Để có được thị trường lớn như bây giờ, doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều công sức và chịu thiệt hại khá nhiều về kinh tế.

Sản phẩm cà phê bột của Công ty TNHH Thương mại Đoàn Gia Đắk Nông (Tuy Đức) được đầu tư chế biến theo dây chuyền công nghệ hiện đại

Theo bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty, thời gian đầu, đơn vị đi không sót các cửa hàng nước uống, quán giải khát nào của tỉnh để chào hàng. Việc đầu tiên vẫn là gửi và chào hàng cho các địa chỉ này và chờ phản hồi, nhưng lượng hàng tiêu thụ được rất ít. Thời gian sau đó, công ty đã chuyển hẳn qua cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng, tạp hóa trong và ngoài tỉnh để họ tự phân phối khi có nhu cầu. Hình thức này dù “chắc ăn” hơn, nhưng mức độ tiếp cận khách hàng lại hạn chế. Ngoài ra, việc tham gia các hội chợ, triển lãm cũng được doanh nghiệp tích cực tận dụng để quảng bá hình ảnh nhiều hơn tới khách hàng.

“Đến nay, sản phẩm cà phê bột của đơn vị đang có mặt ở hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, phần lớn lượng hàng hóa xuất ra thị trường vẫn khá bấp bênh, thiếu ổn định. Hơn nữa, do sản xuất theo yêu cầu của khách, nên chất lượng sản phẩm sẽ có sự khác nhau. Vì thế, tốc độ quảng bá hình ảnh của sản phẩm tới người tiêu dùng cũng chậm hơn”, Bà Lam chia sẻ.

Để có được thị trường rộng mở cho nông sản, nhiều đơn vị sản xuất của Đắk Nông đều phải vất vả tự mày mò tìm kiếm. Do đó, điều mong muốn của họ lúc này là làm sao để sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra sớm có "chỗ đứng" trong hệ thống các kênh phân phối hiện đại để có thể tự tin khẳng định tên, tuổi.

>>Kỳ 2: Vắng bóng tại các kênh phân phối hiện đại

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Đắk Nông chật vật khẳng định "tên tuổi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO