Nông dân vẫn loay hoay với cây điều

Ngàn Sâu| 29/03/2016 09:38

Do nóng vội chặt phá cây điều, nên khi giá điều bất ngờ tăng cao, nhiều nông dân tỏ ra tiếc nuối, ân hận. Điều này chứng tỏ, người nông dân vẫn chưa hết loay hoay với cây điều…

ADQuảng cáo

Tiếc “đứt ruột” vì nóng vội phá điều…

Vụ mùa năm nay, giá điều tăng một cách đột biến và dễ bán đến nỗi thương lái vào tận vườn thu mua với giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, khiến cho người dân rất phấn khởi. Điều đó khiến cho nhiều hộ dân phải tiếc ngẩn ngơ vì đã “lỡ tay” phá bỏ vườn điều để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Trường hợp gia đình chị Phạm Thị Bích, trú tại thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), là một ví dụ. Năm 2006, gia đình chị trồng 1,2 ha điều và đến 2010 thì cây ra trái rất nhiều, với năng suất đạt khoảng 1,5 tấn hạt/ha. Thế nhưng, do giá cả bấp bênh (có những thời điểm xuống dưới 10.000 đồng/kg), cùng với tình trạng điều bị nhiễm sâu bệnh, nên năm 2015, gia đình chị đã chặt bỏ hơn nửa vườn để chuyển sang trồng hoa màu.

Chị Bích tiếc nuối cho biết: “Không ngờ năm nay điều vừa được mùa, vừa được giá. Giờ đây chúng tôi mới nhận thấy việc phá bỏ cây điều là một quyết định sai lầm rất tai hại”.

Tương tự, năm 2015, gia đình ông Vũ Huy Cường, trú tại tổ dân phố 5, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), cũng phá bỏ hơn 1ha điều để chuyển sang trồng tiêu. Giờ đây, giá điều tăng mạnh, khiến cho gia đình ông bị thất thu một khoản khá lớn.

Ông Cường bày tỏ: “Do chạy theo phong trào trồng tiêu, nên gia đình tôi mới phá bỏ cây điều. Trong khi chưa biết tương lai cây tiêu sẽ như thế nào thì hiện tại gia đình tôi đã thất thu khoảng 150 triệu đồng do phá bỏ vườn điều”…

May mắn hơn một chút là gia đình anh Đinh Văn Quế, trú tại xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), vì đã kịp “dừng tay” trong việc phá bỏ vườn điều. Anh Quế cho biết, đầu mùa khô năm nay, gia đình anh quyết định phá bỏ gần 2ha điều để lấy mặt bằng trồng tiêu. Thế nhưng, khi mới chặt phá được 51 cây điều thì gia đình bận việc khác nên dừng lại. Không ngờ đến khi vào mùa thu hoạch thì giá điều tăng cao và từ đó gia đình anh Quế đã quyết định giữ lại vườn điều…

Thực tế, mấy năm gần đây, do giá điều xuống thấp, cùng với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nên nhiều người dân chán nản với cây điều. Đỉnh điểm là vào năm 2015, diện tích điều toàn tỉnh có xu hướng giảm mạnh mà nguyên nhân là do người dân phá bỏ để lấy đất trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Cũng trong thời gian qua, hầu như các địa phương đều không có hộ nông dân nào trồng mới cây điều. Thậm chí, cây điều còn không được xem là cây chủ lực và chủ yếu được người dân trồng “kế" hoặc trồng xen với các loại cây khác.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực nhằm ổn định việc trồng trọt và phát triển cây điều. Thế nhưng, vì người dân thường “chạy theo phong trào” trong sản xuất nông nghiệp, nên cây điều vẫn chưa được duy trì một cách ổn định. Thậm chí, có những địa phương còn bị “vỡ” kế hoạch, quy hoạch phát triển cây điều. Có thể thấy, cả nông dân và chính quyền các cấp vẫn còn loay hoay với “bài toán” ổn định cây điều…

Dù đang được giá, nhưng người nông dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào cây điều

Định hướng cho cây điều

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện đang có trên 24.000 ha điều, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Đắk R'lấp, Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô. Xét về góc độ thị trường, trong thời gian qua, việc xuất khẩu hạt điều ở tỉnh ta cũng như trong cả nước được duy trì và phát triển một cách tương đối ổn định.

Cụ thể, năm 2015, tỉnh ta đã tiến hành xuất khẩu hơn 3.600 tấn hạt điều (tăng trên 12% so với kế hoạch), trong đó giá trị xuất khẩu điều nhân đạt được 270 triệu USD (tăng gần 40% so với kế hoạch). Hiện nay, sản phẩm điều nhân của tỉnh ta đã được xuất khẩu sang thị trường 15 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tỉnh ta cũng đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới hạt điều, trong đó phải kể đến những cái tên như Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp), Công ty TNHH MTV Thương mại Trường Thúy Đắk Nông (Tuy Đức)…

Còn theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và chiếm trên 50% thị phần giao dịch thương mại điều toàn cầu.

Ở một khía cạnh khác, điều vốn được xem là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, bởi vì dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và quan trọng hơn là cho thu hoạch vào thời điểm “giáp hạt”. Đối với những hộ nông dân có điều kiện kinh tế eo hẹp thì việc trồng điều rất phù hợp. Tại một số địa phương đất đai cằn cỗi hoặc thiếu nguồn nước tưới thì cây điều chính là “cứu cánh” cho sản xuất nông nghiệp…

Xét về nhiều khía cạnh, rõ ràng tương lai của cây điều là sáng sủa. Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chủ trương chung của tỉnh là chưa mở rộng thêm diện tích trồng điều. Định hướng của tỉnh là chỉ tập trung đầu tư, chăm sóc diện tích điều sẵn có để tăng năng suất cao hơn. Chính vì vậy, người dân trước mắt không nên nóng vội phá bỏ hoặc ồ ạt trồng mới cây điều…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân vẫn loay hoay với cây điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO