Nông dân tìm cách khôi phục vườn cà phê sau hạn hán

Văn Tâm| 29/06/2020 10:41

Do ảnh hưởng của hạn hán, toàn tỉnh Đắk Nông có 22.755 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 1.767 ha cà phê bị mất trắng. Hiện nay, khôi phục diện tích cây trồng, đặc biệt là cây cà phê đang được các địa phương chú trọng.

ADQuảng cáo

Đợt hạn hán vừa qua, khiến cho hàng ngàn ha cà phê của bà con ở các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô bị héo úa, khô cháy. Đến nay, các khu vực sản xuất cà phê tại các huyện đã bước vào mùa mưa, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc, khôi phục lại vườn cây. Theo bà con nông dân, tùy theo mức độ thiệt hại, bà con có thể tỉa bỏ cành khô, cưa ghép, tạo bộ tán mới cho cây cà phê phát triển.

Ngoài bón phân, phun thuốc phòng ngừa bệnh hại, ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) còn thường xuyên vặt chồi, tạo tán để cây đủ sức nuôi trái non

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô) có trên 3 ha đất nông nghiệp trồng cà phê và cây ăn trái. Theo chị Hương, đợt nắng hạn vừa qua có thể nói là khốc liệt. Sau 5 lần tưới, đến cuối tháng 5 âm lịch, tất cả ao hồ chứa nước trong vườn gần như cạn kiệt. Không có nước tưới, vườn cà phê, cây ăn trái của gia đình chị bị suy kiệt, nhiều cây chết. Chị Hương cho biết: “Do những ngày cuối mùa khô, vườn cây bị thiếu hụt nước nên đa số cây trồng bị vàng lá, khô quả, nhiều cây chết khô toàn bộ cành chính. Tôi sẽ tiến hành cưa cành chết để phục hồi bộ tán mới. Đối với cây cà phê bị chết cành thứ cấp và còn khả năng tái sinh, tôi sẽ tiến hành ghép cành để cây phát triển trở lại”.

Hiện tại, chị Hương đang dồn sức để chăm sóc, bón phân, phòng bệnh cho những cây cà phê bị rụng lá, khô quả. Ngay từ đầu mùa mưa này, chị Hương đã trồng xen thêm các loại cây ăn trái, cây tạo bóng mát để giữ độ ẩm cho vườn cà phê.

Theo UBND xã Tân Thành, đợt hạn hán vừa qua diễn ra trên địa bàn khá gay gắt, khiến hơn 4.369 ha cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả bị thiệt hại. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, giúp các vườn cây sinh trưởng, phát triển ổn định trở lại. Đến nay, trên địa bàn xã đã có mưa tương đối đều, nên việc khôi phục diện tích cây trồng đã bắt đầu có nhiều thuận lợi hơn so với trước.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chăm sóc cây cà phê đầu mùa mưa, bà con cần lưu ý biện pháp phun phân bón lá chuyên dùng cho cây. Trong trường hợp đất không đủ ẩm, cần phun phân bón lá ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 15 - 20 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để cây phục hồi và hạn chế rụng quả sau thời kỳ khô hạn. Khi đất đủ ẩm, bà con nên tập trung bón phân cho cây. Đặc biệt, đầu mùa mưa bà con nên tiến hành 2 lần bón phân để phục hồi vườn cà phê sau những tháng ngày khô hạn...

ADQuảng cáo

Ngoài việc khôi phục lại các vườn cây bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu hụt nước, hiện nay, bà con nông dân cũng đặc biệt quan tâm đến sâu bệnh hại tại các vườn cà phê sau mùa khô. Theo ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), bước vào mùa mưa, việc đầu tiên cần quan tâm đó là tập trung đầu tư phân bón, thuốc phòng bệnh để giúp vườn cà phê lấy lại sinh lực. Đối với vườn cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán thì phải xử lý dứt điểm các loại sâu bệnh hại phát sinh trong những tháng mùa khô để lại. Trước mắt là tiến hành vệ sinh vườn cây, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, làm sạch cỏ dại để giúp cây sạch bệnh, phát triển nhanh trong môi trường mùa mưa thuận lợi. Bà con cũng cần chú trọng đến khâu chăm bón, bổ sung dưỡng chất để giúp cây phát triển tốt trong giai đoạn tăng kích thước trái.

"Đây là giai đoạn quan trọng, do cây có yêu cầu dinh dưỡng rất lớn, nếu bón phân thiếu hụt, hoặc mất cân đối sẽ khiến quả non rụng nhiều, làm mất năng suất", ông Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) luôn làm sạch cỏ dại để ngăn ngừa mầm bệnh cho vườn cây

Tại Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp, với chủ đề “Giải pháp khôi phục sản xuất cà phê và hồ tiêu sau hạn hán kéo dài khu vực Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp – PTNT) chủ trì diễn ra tại tỉnh Gia Lai mới đây, các chuyên gia cho rằng, đối với vườn cà phê bị hạn nặng, lá, cành đã bị khô và rụng trầm trọng, thiệt hại năng suất từ 70% - 100%, có thể xem xét trường hợp phải cưa đốn cây để nuôi chồi mới ghép tái canh.

Còn vườn cà phê có năng suất trung bình các năm trước cao (4 - 5 tấn nhân/ha), cây đồng đều thì có thể phục hồi tái tạo lại hệ thống thân cành mới. Nếu vườn cà phê bị chết cây, thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, những năm gần đây liên tục bị thiếu nước, về lâu dài không chủ động được nguồn nước tưới bền vững thì cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn như: điều, sầu riêng, chôm chôm, bơ…

Những vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình, năng suất có thể bị giảm từ 30% - 70%, bà con có thể đốn tỉa và tạo tán, cắt bỏ cành khô, cành bị rụng lá càng sớm càng tốt để giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả, hạn chế rụng quả. Trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán; thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân tìm cách khôi phục vườn cà phê sau hạn hán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO