Nông dân tích cực phòng, chống bệnh hại vụ hè thu

Thành Tâm| 30/07/2020 09:12

Hiện nay, các loại cây trồng chính của vụ hè thu đang ở giai đoạn đầu phát triển, nên rất mẫn cảm với dịch hại. Do đó, để tránh sâu bệnh gây thiệt hại cho cây trồng, người dân các địa phương đã tăng cường các giải pháp phòng trừ sớm và kịp thời.

ADQuảng cáo

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT), tính đến trung tuần tháng 7/2020, nông dân các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được 60.407/69.005 ha cây trồng vụ hè thu. Đến thời điểm hiện tại, nhiều diện tích mới được người dân xuống giống, đang giai đoạn cây con, phát triển thân lá. Trong thời gian tới, nếu gặp mưa nhiều, cây trồng có khả năng dễ bị các bệnh do nấm, vi khuẩn gây hại như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá do vi khuẩn trên lúa; bệnh khô vằn trên ngô; các bệnh thối nhũn trên rau, màu... Do đó, bà con nông dân cần tăng cường phòng trừ để cây trồng không bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất cuối vụ.

Bà Phạm Thị Tuyến phun thuốc phòng trừ bọ trĩ trên ruộng lúa

Gia đình bà Phạm Thị Tuyến, ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút), vụ này gieo sạ trên 3 sào lúa. Theo bà Tuyến, từ khi xuống giống đến nay, do thời tiết mưa nắng thất thường, nên trên đồng ruộng phát sinh nhiều loại sâu bệnh, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Trong đó, các loại sâu ăn lá, bọ trĩ chính hút, ốc bươu vàng xuất hiện từ khi ruộng lúa vừa bén rễ. Vì thế, bà Tuyến phải thường xuyên theo dõi, thăm đồng và phun thuốc phòng trừ. Bà Tuyến cho biết: “Khi ruộng lúa có hiện tượng bọ trĩ, tôi đã mang thuốc ra phun để phòng trừ ngay từ đầu. Nếu không phòng trừ sớm thì cây lúa sẽ bị đỏ hết lá”.

Không chỉ có sâu ăn lá, bọ trĩ, trên các cánh đồng, thời điểm này cũng xuất hiện tình trạng ốc bươu vàng cắn phá. Ông Vương Văn Sơn, ở xã Đắk D’rông (Cư Jút), cho hay, ốc bươu vàng thường ở và cắn phá những chỗ trũng nước. Một sào lúa chỉ gieo sạ 12 kg giống, bị ốc bươu ăn trụi phải dặm đi dặm lại nhiều lần, tốn không ít công. Năm nay thời điểm gieo sạ gặp mưa nhiều, nên ốc bươu sinh trưởng mạnh. Ốc nhiều đến nỗi không thể bắt thủ công được, nên ông phải sử dụng thuốc để phun. Phun thuốc xong gặp mưa ốc từ nơi khác lại tràn về.

Người dân xã Đắk D’rông thường xuyên thăm đồng để phát hiện kịp thời sâu hại

ADQuảng cáo

Theo ông Hoàng Mai Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Cư Jút, nhìn chung, ốc bươu vàng tồn tại trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Ốc tàn phá nặng nhất là trong giai đoạn cây còn non, trong vòng 1 tháng tuổi. Do đó, cây lúa từ khi sạ đến khi đẻ nhánh, bà con cần ngăn chặn nơi sinh sống của ốc bươu vàng. Bà con cũng cần chọn giống lúa có độ nảy mầm cao, xuống giống đồng loạt để kiểm soát được hiện tượng phát sinh của ốc bươu vàng. Ngoài biện pháp thủ công bắt ốc, diệt các ổ trứng, bà con có thể dùng các loại thuốc như: Viniclo 70WP, Mossade 700WP, Pisama 700WP… để phòng ngừa ốc bươu vàng phát sinh.

Ngoài phòng trừ bệnh hại trên cây lúa, đến nay, người dân trên địa bàn Cư Jút cũng cơ bản khống chế được các loại sâu hại khác như: Sâu keo mùa thu trên cây ngô, sâu xanh trên cây họ đậu… Các huyện khác như: Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song… nông dân cũng đang tích cực chăm sóc, phòng, trừ sâu hại trên các loại cây trồng. Hiện các loại sâu bệnh hại có dấu hiện phát sinh, nhưng mật độ và số lượng không đáng kể và đang trong tầm kiểm soát.

Ông Hoàng Văn Duyên, ở thôn 2, xã Cư K’nia (Cư Jút) tìm và tiêu hủy các ổ trứng ốc bươu vàng

Theo ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp, bà con nông dân cần theo dõi thường xuyên và tiến hành phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại trên cây lúa như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá lúa… Trên diện tích cây màu như ngô, lạc, đậu tương, khoai lang… bà con cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất khi mưa dầm tháng 8-9, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK.

Cũng theo ông Vui, bà con cần thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng bệnh hại trong điều kiện thời tiết mưa nhiều. Đối với diện tích rau, đậu, bí, ớt, dưa chuột, hành tỏi, cà chua..., ngành chuyên môn cần hướng dẫn nông dân chăm sóc để cây phát triển bộ rễ tốt. Bà con cũng cần  theo dõi và xử lý kịp thời các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ, thối nhũn có thể xuất hiện và gây hại trên các loại cây trồng này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân tích cực phòng, chống bệnh hại vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO