Nông dân gặp khó vì hoa cúc nhiễm bệnh tràn lan

Văn Tâm| 04/12/2019 09:43

Do nguồn giống mua về bị nhiễm bệnh, thời điểm xuống giống lại gặp thời tiết bất lợi, nên nhiều nhà vườn trồng hoa cúc phục vụ tết ở huyện Đắk R’lấp gặp không ít khó khăn.

ADQuảng cáo

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn 11, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) năm nay đầu tư trồng 500 chậu lớn hoa cúc và hơn 1.000 chậu nhỏ. Theo bà Hoa, mỗi một chậu lớn hoa cúc có chi phí đầu tư khoảng 100 ngàn đồng. Nếu quá trình trồng, chăm sóc tốt, hoa đẹp thì cũng thu về được lợi nhuận. Vì trong dịp tết, vào lúc cao điểm hoa cúc có giá từ 400 – 600 ngàn đồng/chậu. Nhiều người ở các tỉnh khác vận chuyển đến bán còn có lãi, trong khi các nhà vườn xuất bán tại chỗ lợi nhuận còn cao hơn.

Bà Hoa cho biết: Mọi năm, tôi mua giống hoa cúc tại Đà Lạt về trồng, nhưng do giống cúc nơi này nhiễm bệnh nặng, nên năm nay tôi ra tận Quảng Ngãi lấy giống. Cứ ngỡ mua được giống sạch bệnh, ai ngờ từ lúc trồng đến giờ tôi mất ăn mất ngủ vì vườn hoa bị nấm bệnh và sắp phải nhổ bỏ.

Vườn hoa cúc của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn 11, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) phát triển kém do nhiễm bệnh.

Cũng theo bà Hoa, khi xuống giống được khoảng 3 ngày là cây hoa đã xuất hiện hiện tượng vàng lá. Trong khi thời tiết năm nay mưa nhiều và kéo dài nên việc phun thuốc trị bệnh gặp khó khăn, các chậu cúc phát triển kém. Nấm bệnh tấn công nhiều nên cây bị xổ hết lá. Nếu tình trạng này không chữa được thì sau này hoa sẽ bị méo, cong queo, không nở to được.

ADQuảng cáo

Còn gia đình ông Mai Xuân Vỹ, ở thôn 6, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) cũng khốn đốn vì hoa cúc bị nhiễm bệnh. Ông Vỹ cho hay: “Hiện gia đình tôi trồng trên 1.000 chậu hoa cúc. Mấy tháng vừa rồi tôi luôn phải túc trực ngoài vườn cây để theo dõi, phun thuốc trị nấm bệnh”.

Theo ông Vỹ, khi cây phát bệnh sẽ có hiện tượng lở cổ rễ, thối rễ, vàng lá, bệnh nặng sẽ chết cây. Hiện nay, loại nấm bệnh này xảy ra ở hầu hết các vườn trồng cúc ở Đắk R’lấp. Loại nấm bệnh này là do vi rút nhiễm từ cây mẹ. Do vậy, khi mua giống về trồng bệnh đã có sẵn nên việc phòng trừ rất khó. Với kinh nghiệm gần 10 năm trồng hoa cúc để bán vào dịp tết, nhiều loại dịch bệnh trên cây hoa cúc ông Vỹ đều phát hiện và xử lý hiệu quả, nhưng với loại bệnh đang tấn công trên các chậu cúc tại các nhà vườn ở huyện Đắk R’lấp hiện nay, ông gần như chịu thua.

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng hoa, nhưng ông Mai Xuân Vỹ ở thôn 6, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) vẫn bất lực với nấm bệnh trên hoa cúc năm nay.

Theo nông dân, việc dùng thuốc phòng trừ cho loại bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cúc hiện không dứt điểm hẳn, bệnh chỉ dừng lại khi phun thuốc, thời gan ngắn sau bệnh lại tái phát. Với mức độ nguy hại và tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao, theo kinh nghiệm của ông Vỹ, bà con cần phải thường xuyên kiểm tra vườn. Đối với những vườn có số lượng cây bị nhiễm bệnh nặng, xử lý thuốc không hiệu quả cần phải nhổ bỏ tiêu hủy ngay. Khi tỉa ngọn, chồi và nụ hoa cần phải kết hợp phun các loại thuốc chống các loại bọ chích hút trung gian để ngăn ngừa bệnh lay lan trên diện rộng.

Được biết, thời gian qua, tại tỉnh Lâm Đồng, nhiều vùng trồng hoa cúc bị nhiễm vi rút sọc thân nhưng chưa có thuốc đặc trị, nông dân phải nhổ bỏ và tiêu hủy hàng trăm ha. Trong khi người trồng hoa cúc ở Đắk Nông cũng như các tỉnh khác đều lấy nguồn giống tại địa phương này. Chính vì thế, trong lúc chờ ngành chuyên môn của huyện hỗ trợ về kỹ thuật phòng trị bệnh, ông Mai Xuân Vỹ cho rằng: Hiện người dân thiếu nguồn giống sạch bệnh nên việc xây dựng vườn giống tại địa phương để cung cấp cho các nhà vườn là cần thiết. Vì vậy, người trồng hoa cúc chúng tôi rất cần được tạo điều kiện cho vay vốn và chọn hộ có kinh nghiệm để làm vườn ươm giống cung cấp cho các nhà vườn. Có như vậy, các nhà vườn trồng hoa cúc mới có thể sản xuất an toàn, hiệu quả, giúp tăng thêm thu nhập để xóa nghèo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân gặp khó vì hoa cúc nhiễm bệnh tràn lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO