Nông dân đang chú trọng chuyển hướng chăn nuôi theo quy mô trang trại

Thanh Nga| 02/11/2017 09:35

Mặc dù từ đầu năm đến nay, giá cả giảm, một số địa phương xảy ra dịch bệnh, nhưng nông dân vẫn chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.

ADQuảng cáo

Điển hình như ở huyện Krông Nô, từ đầu năm đến nay, tổng đàn gia súc của huyện trên 58.120 con, đạt khoảng 80% kế hoạch năm. Đặc biệt, các chỉ tiêu về chăn nuôi bò và dê đến thời điểm hiện nay đã vượt xa kế hoạch của năm, như đàn bò đạt 8.100 con, vượt hơn 7% kế hoạch.

Đàn bò trên địa bàn huyện tăng một phần là do Công ty TNHH MTV nông trại Cao Nguyên Quảng Phú I đã tăng đàn lên 1.050 con. Đàn dê hiện có 3.743 con/3.350 con theo kế hoạch. Đàn heo 49.000 con, đạt trên 78% kế hoạch. Tổng đàn gia cầm 298.500 con...

Nhiều hộ nông dân huyện Krông Nô phát triển bò đàn với số lượng lớn, từ 10 - 15 con. Ảnh: Y Krăk

Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Krông Nô, trong 9 tháng đầu năm 2017, do dịch bệnh H5N1 trên đàn gia cầm và giá heo giảm nên các hộ chăn nuôi giảm đàn mạnh. Trước thực tế này, các cấp hội phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tiến hành công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và phun 792 lít hóa chất tiêu độc khử trùng. Hội thường xuyên thông báo tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng, chống trên đàn gia súc, gia cầm. Việc giám sát hoạt động tiêm phòng của các đơn vị và trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng được tăng cường.

Huyện Đắk Song được đánh giá là địa phương có chăn nuôi phát triển cao hơn nhiều so với nhiều nơi khác. Từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Thời gian qua, các cấp chính quyền, người dân tăng cường phòng, chống dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh đáng kể. Đến nay, tổng đàn trâu, bò ước đạt 2.800 con, dê 1.500 con, heo 24.000 con và gia cầm 250.000 con.

ADQuảng cáo

Người dân ở bon Bu Prâng, xã Ðắk N’drung (Ðắk Song) phát triển chăn nuôi trâu, bò đàn. Ảnh: Y Krăk

Tại huyện Tuy Đức, tổng đàn gia cầm đến nay ước đạt trên 194.530 con, đàn trâu 253 con, đàn bò 2.505 con, đàn dê 1.048 con, đàn heo 2.623 con. Mặc dù chăn nuôi trên địa bàn huyện có chiều hướng phát triển, song hình thức chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2016. Tổng đàn trâu, bò chỉ mới đạt 34.094 con; trong đó giảm 2.077 con trâu, nhưng tăng 2.500 con bò. Tổng đàn heo giảm 4.979 con, đến nay chỉ đạt trên 122.000 con, trong khi kế hoạch phấn đấu đạt 240.000 con. Tổng đàn gia cầm đạt 1.320.660 con, tăng 1.130 con.

Nguyên nhân tổng đàn bò tăng là do số bê lai F1 sinh ra thuộc Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt và người dân có xu hướng chuyển từ nuôi trâu sang nuôi bò do hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng đàn heo giảm là do từ đầu năm đến nay giá heo xuống thấp, xuất bán khó khăn, tồn đọng, nên các hộ chăn nuôi không thực hiện tái đàn sau khi bán.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, hiện nay, xu hướng chăn nuôi đang có sự chuyển biến tích cực, từ quy mô nhỏ lẻ sang trang trại tập trung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 129 trang trại chăn nuôi; trong đó, có 24 trang trại chăn nuôi heo có quy mô dưới 500 con, 76 trang trại chăn nuôi heo quy mô từ 500-2.500 con, 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò, 23 trang trại chăn nuôi gia cầm. Vừa qua, các cấp hội nông dân luôn bám sát tình hình chăn nuôi, tích cực tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh và thông tin thị trường để định hướng cho nông dân. Theo đó, nông dân được khuyến khích chủ động phát triển chăn nuôi theo hướng tăng đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân đang chú trọng chuyển hướng chăn nuôi theo quy mô trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO