Nông dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Văn Tâm| 04/08/2015 10:19

Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn 14, xã Nam Dong (Chư Jút) hiện có hơn 3 sào đất ruộng. Theo bà Hiền thì trước đây, gia đình chỉ biết gieo sạ theo kinh nghiệm là chính, cứ ủ giống xong là gieo sạ theo cảm tính.

ADQuảng cáo

Chỗ nào thưa thì gieo dày thêm, rồi theo định kỳ làm cỏ 2 lần, bón phân 2 lần trong vụ. Chỉ có vậy, cây lúa cứ thế phát triển, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới tự nhiên đầy đủ thì có thu hoạch, còn năm nào thời tiết hạn hán thì lại mất mùa.

Mấy năm trở lại đây, gia đình bà được các cấp, ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tư vấn về các giống lúa phù hợp với đồng đất của mình và hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo cấy và chăm sóc lúa, sử dụng phân theo phương pháp “4 đúng” là đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc, đúng cách nên năng suất lúa ruộng của gia đình đã tăng lên rất nhiều.

Đơn cử, vụ đông xuân vừa qua, gia đình bà cấy toàn bộ diện tích đất bằng giống lúa TH3-3, ít sâu bệnh, năng suất ổn định nên qua thu hoạch ước được gần 3 tấn thóc. Vì vậy, vụ hè thu này, gia đình bà vẫn tiếp tục cấy giống lúa này, nếu thuận lợi, cuối vụ cũng thu hoạch được sản lượng xấp xỉ với vụ đông xuân.

Nông dân xã Nam Dong (Chư Jút) áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng. Ảnh: Văn Tâm

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Xuyên Trung, xã Đức Xuyên (Krông Nô), sử dụng biện pháp bón phân hợp lý để canh tác ngô. Năm 2014, sau khi tham quan mô hình sử dụng phân bón vi sinh trên cây ngô do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện ở thôn Phú Lợi, xã Đắk Nang, nhận thấy hiệu quả, ông đã học hỏi và áp dụng tại gia đình. Kết quả, trong 2 vụ đông xuân và hè thu sớm năm 2015, ruộng ngô của gia đình ông không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt hơn hẳn cách làm trước đây mà năng suất cũng tăng lên rõ rệt.

ADQuảng cáo

Theo ông Hiền thì ngoài phân bón ở gốc cây ngô cần một lượng phân qua lá nhất định để tạo đà cho sự phát triển của cây lúc ban đầu và phải phun đúng thời điểm để cây phát triển. Đồng thời, việc bón các loại phân có hàm lượng lân, trung vi lượng cộng với vôi sẽ làm tăng độ pH, giúp hạ phèn, cây hút được dinh dưỡng nhiều hơn để tạo nên sinh khối cây.

Ông Hiền chia sẻ: Trước đây, tôi có phân gì bón phân đó, nhiều khi phối hợp phân đơn với phân NPK mà không nắm vững hàm lượng dinh dưỡng có trong từng loại phân nên dẫn đến lãng phí, chi phí phân khá lớn. Gần đây, tôi áp dụng biện pháp vừa bón gốc cho cây ngô vừa bón qua lá theo quy trình hướng dẫn nên ruộng ngô của tôi tăng hơn 3 tấn/ha so với lúc chưa áp dụng kỹ thuật này.

Theo kinh nghiệm của ông Hiền thì để thu được 10 tấn ngô/ha thì cần lượng phân chuồng từ 10 - 15 tấn, lân super 300 - 600 kg, Urê 250 - 430kg, Kali clorua 80 - 160 kg, bên cạnh đó cộng thêm một lượng phân bón qua lá theo quy trình hướng dẫn.

Diện tích ngô của gia đình ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Xuyên Trung, xã Đức Xuyên (Krông Nô)

Bên cạnh kỹ thuật chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý thì nhiều hộ nông dân còn áp dụng rộng rãi quy trình “3 giảm, 3 tăng” (ICM), kỹ thuật gieo sạ tập trung, biện pháp quản lý dịch hại IPM… để kiểm soát chặt tình hình phát sinh, phát triển của dịch hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn.

Cùng với đó, các cấp, ngành chuyên môn còn cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở, bám đồng ruộng, theo dõi diễn biến thời tiết, dịch hại cũng như thực hiện các mô hình khuyến nông, các mô hình khảo nghiệm các giống cây trồng mới, xây dựng các mô hình thâm canh cây trồng ở các địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO