Nông dân chật vật tìm cách vượt qua "bão" dịch tả lợn châu Phi

Hồng Thoan| 06/01/2020 09:53

Sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều hộ dân đã chuyển đổi hướng sản xuất, chăn nuôi để ổn định thu nhập, đời sống.

ADQuảng cáo

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), phát triển chăn nuôi lợn hơn 2 năm nay. Chị Lan cho biết, thực tế gia đình đã vay mượn ngân hàng, người thân hơn 1,2 tỷ đồng để  đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố. Gia đình cũng tích cực học tập, ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn để phòng bệnh.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2019, đàn lợn của gia đình đã bị sốt cao, ốm, chết. Chị báo chính quyền địa phương, ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đàn lợn bị nhiễm DTLCP. Tổng cộng gia đình đã phải tiêu hủy 190 con gồm cả lợn nái, lợn đực, lợn thịt và lợn con.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) thử nghiệm nuôi dế ăn

Chị Lan tâm sự: Lợn chết hàng loạt. Chỉ trong vòng một tháng là chuồng trại trống không. Vợ chồng tôi bàng hoàng, cả tháng mất ăn, mất ngủ, buồn rầu. Vài tháng sau, dự định tái đàn nhưng sợ lại bị bệnh, lại mất tiền nên "găm" chuồng không đến nay. Đầu tháng 12/2019, gia đình cũng đã nhận được hơn 300 triệu tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhưng phần lớn là trả nợ tiền thức ăn cho heo.  Mới đây, qua học tập mô hình nuôi dế ở Hà Nội, tôi đã mua giống về nuôi thử, nhưng cũng thấy không ăn thua lắm vì mình chưa có kinh nghiệm, chưa tìm được thị trường tiêu thụ, không biết mở rộng quy mô sản xuất có bán được không.

Nhiều hộ dân ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) vẫn chưa dám tái đàn

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Ngọc Quân, Chủ tịch UBND xã Đắk Wer, toàn xã có hơn 700 con lợn của 12 hộ dân bị tiêu hủy do DTLCP. Phần lớn hộ chăn nuôi đến nay vẫn chưa dám tài đàn. Lí do chính là bà con nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch, khi vi rút dịch vẫn còn trên địa bàn tỉnh nên có thể lây lan, xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào. Hơn nữa nhiều người khó khăn về kinh phí trong việc đầu tư con giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, nên chưa tái đàn. Địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân nếu tái đàn thì phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc về bảo đảm an toàn sinh học, mua con giống sạch bệnh…

Không chỉ ở Đắk R’lấp, tại các địa phương khác như Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, nông dân cũng gặp khó khi khôi phục sản xuất sau dịch tả lợn. Cụ thể như gia đình anh Trần Thế Quang, thôn 2, xã Tâm Thắng (Cư Jút).

Gia đình ông Trần Thế Quang, xã Tâm Thắng (Cư Jút) phát triển 200 con gà đẻ trứng, gà thịt

Theo anh Quang, tháng 8/2019, đàn lợn 16 con gia đình bị nhiễm DTLCP phải tiêu hủy. Tận dụng chuồng trại, gia đình chuyển sang nuôi gà. Từ đàn gà 100 con, sau 3 tháng nâng lên hơn 200 con, vợ chồng anh hy vọng có thể bù đắp bớt thiệt hại, bảo đảm thu nhập, đời sống nhất là dịp cuối năm. Tuy nhiên, khi tăng đàn cũng là lúc gia đình gặp cảnh giá cả sản phẩm gà  xuống thấp so với năm 2018.

“Khó khăn hiện nay của gia đình là đầu ra cho sản phẩm, với đàn gà trên 200 con đẻ trứng, bán thịt, mỗi ngày ăn 3 bữa, riêng tiền thức ăn cũng gần 1 triệu đồng. Cùng với đó, quá trình phòng bệnh, gia đình cũng mất nhiều chi phí, công sức hơn do chưa có kinh nghiệm”.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, tính đến tháng 12/2019, DTLCP đã xuất hiện tại 142 thôn, bon, tổ dân phố, thuộc 50, xã phường, thị trấn của 8/8 địa phương trên toàn tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 4.600 con lợn của 320 hộ dân bị tiêu hủy. Từ nguồn ngân sách dự phòng, UBND tỉnh cũng đã chi 6,2 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện việc hỗ trợ cho Nhân dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân chật vật tìm cách vượt qua "bão" dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO