"Nới" thêm giới hạn cho vay tại các ngân hàng thương mại

Nguyễn Lương| 09/10/2017 10:09

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hiện nay trên địa bàn tỉnh rất cao nhưng con số tuyệt đối trong toàn hệ thống lại đang khá thấp so với các tỉnh, thành khác. Đây chính là cơ sở để chúng ta có thể đề xuất nới "room" (tức giới hạn cho vay) cho các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, doanh số cho vay.

ADQuảng cáo

Nền kinh tế “hấp thụ” vốn tốt, lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh theo chiều hướng giảm, nhiều gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng thương mại triển khai… là điều kiện thuận lợi để tín dụng trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tăng cao.

Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Bà Triệu (Gia Nghĩa)

Tín dụng tăng trưởng khá

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 9/2017, tổng dư nợ đối với nền kinh tế trên địa bàn là hơn 19.700 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với thời điểm cuối năm 2016. Dư nợ tăng cao là do tình hình “hấp thụ” vốn của nền kinh tế trên địa bàn tương đối tốt. Những tháng đầu năm, nguồn vốn tiếp tục “chảy” mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hơn 14.700 tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2016; cho vay khối khách hàng doanh nghiệp 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2017. Tăng trưởng tín dụng tăng cao, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn có khả năng vượt xa chỉ tiêu về tín dụng đề ra từ đầu năm.

Tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh, tính đến hết tháng 9, mức tăng trưởng cho vay đạt hơn 16% so với cuối năm 2016. Trong khi, mức chỉ tiêu phấn đấu của đơn vị đề ra đến hết 31/7/2017 với tổng dư nợ tăng từ 16-18%. Như vậy, trong vòng 3 tháng cuối năm, con số tăng trưởng dư nợ gần 2% dường như nằm trong tầm tay và có thể vượt xa con số này.

Qua tìm hiểu được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, ngoài chiến lược cho vay, thu hút khách hàng truyền thống, đơn vị còn đẩy mạnh triển khai gói tín dụng phục vụ “Nông nghiệp sạch”, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, tái canh cà phê...

Nguồn vốn tín dụng tiếp tục "chảy" mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

ADQuảng cáo

Ông Trần Hữu Trinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh chia sẻ: “Mặc dù duy trì tăng trưởng khá, nhưng đơn vị vẫn tiếp tục “khơi thông” nguồn tín dụng. Bởi vì, tiền trong toàn hệ thống dồi dào, nhưng một số lĩnh vực cho vay như: Xây dựng, công nghiệp khai thác và chế biến… vẫn thấp. Do vậy, đơn vị vẫn tiếp tục đưa ra các gói tín dụng để kích cầu, thu hút khách hàng trong những tháng cuối năm”.

Tương tự, tại nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng tăng khá cao so với đầu năm 2017 như: Chi nhánh Ngân hàng Liên Việt Postbank, tăng trưởng dư nợ đạt mức hơn 22%; Ngân hàng TMCP Đông Á tăng gần 30%...

Ngoài nền kinh tế “hấp thụ” vốn tốt, thì lãi suất được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn từ các ngân hàng. Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn trong toàn hệ thống dao động từ 6-11,5%/năm. Lãi suất trung, dài hạn dao động từ 8-12%/năm. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng còn triển khai các gói tín dụng, với lãi suất ưu đãi từ 5-7%/năm đối với các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên.

Cụ thể như gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á; chương trình tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh năm 2017 của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được giao đầu năm dựa trên cơ sở tính toán của NHNN nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16 - 18% theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thống đốc NHNN có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 - 22%.

Chú trọng chất lượng tín dụng

Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn, mặc dù tăng trưởng tín dụng tăng cao nhưng họ vẫn rất thận trọng siết chặt đến vấn đề chất lượng tín dụng, không để nợ xấu phát sinh.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh chia sẻ: “Việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ là điều kiện tốt để các ngân hàng có thêm dư địa mở rộng hoạt động cho vay dịp cuối năm. Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng sẽ phải tính toán hết sức cẩn trọng. Làm thế nào để nợ xấu không phát sinh, mà ngược lại phải giảm xuống nhiều so với đầu năm”.   

Trao đổi về hướng tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm, ông Trần Hữu Phú An, Trưởng Phòng tổng hợp Kiểm soát nội bộ (Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh) cho biết, riêng địa bàn tỉnh Đắk Nông, tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn mặt bằng chung toàn quốc. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng cao, nhưng con số tuyệt đối trong toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn là gần 20.000 tỷ đồng lại khá thấp so với các địa bàn khác. Do vậy, nếu các tổ chức tín dụng đã vượt quá chỉ tiêu đề ra của Hội sở chính thì báo cáo với Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Trên cơ sở này, đơn vị có văn bản với Hội sở chính Trung ương để có thể nới "room” tín dụng cho các ngân hàng.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nới" thêm giới hạn cho vay tại các ngân hàng thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO