Nỗi lo cây giống kém chất lượng

Phan Tuấn| 21/08/2019 14:24

Thị trường cây giống những năm qua luôn ở trong tình trạng "thật giả lẫn lộn", khiến cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mất phương hướng, trong khi việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, chưa có những bước tiến triển tích cực.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: "Ma trận” cây giống

Người dân khi đi mua cây giống như bị lạc vào "ma trận", không biết đâu là cây giống tốt, đâu là cây giống kém chất lượng. Khi mua phải cây giống kém chất lượng, người nông dân thường phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế.

"Vàng thau lẫn lộn"

Những ngày qua, khi thời tiết trên địa bàn Tây Nguyên bước vào mùa mưa thì cũng là lúc các hộ nông dân tấp nập tìm kiếm cây giống để trồng mới hoặc tái canh vườn cây của gia đình. Trong vai một nông dân đi mua cây giống, chúng tôi đã đến nhiều cơ sở kinh doanh cây giống để tìm hiểu thực tế hoạt động của loại hình kinh doanh này.

Tại cơ sở bán cây giống của chị H ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), chúng tôi được chào mời rất nhiệt tình. Để lấy niềm tin của khách hàng, bà chủ đã quảng cáo giống cây của cơ sở có chất lượng cao, sạch bệnh, được nhập từ các vựa cây giống có uy tín từ các tỉnh khác.

Theo chị H, những loại giống mà chị đang bán không phải là giống đầu dòng, nhưng là sản phẩm có sự chọn lọc từ các vườn cây có năng suất, chất lượng cao. Để trấn an thêm khách hàng, chị H cam đoan cơ sở kinh doanh cây giống đã lâu và để tồn tại được đến bây giờ thì nhất thiết phải làm ăn có uy tín. Thế nhưng, tất cả những gì chị H nói đều chỉ là những lời nói suông: “Anh thấy được thì mua chứ các loại giống tôi bán không có giống đầu dòng, cũng không có cam kết, bảo hành nào. Anh đi cơ sở nào cũng đều như vậy hết”, H cho biết.  

Giống sầu riêng Musang King chưa được khảo nghiệm, đánh giá chất lượng vẫn được bán đầy rẫy trên thị trường

Tương tự, anh K, chủ một cơ sở sản xuất cây giống ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cũng cho hay: Khi người dân có nhu cầu về cây giống thì tôi cung cấp. Việc sản xuất giống của gia đình tôi chủ yếu bằng kinh nghiệm chứ không qua thí nghiệm, phân tích, đánh giá chất lượng. Người dân khi mua cây giống của gia đình tôi đều tin tưởng chứ không buộc gia đình tôi phải có chế độ bảo hành hay cam kết gì về chất lượng.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 231 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống, chủ yếu hoạt động theo thời vụ. Hiện nay, mới chỉ có 40/231 cơ sở buôn bán cây giống có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Phần lớn cơ sở buôn bán cây giống trên địa bàn tỉnh chủ yếu tự sản xuất hoặc nhập giống từ nơi khác về. Nhiều loại giống cây trồng chưa được kiểm nghiệm, đánh giá, nhưng vẫn được nhiều chủ cơ sở khẳng định về chất lượng và bán cho người dân. Thậm chí, có những cơ sở quảng cáo cây giống của họ là cây đầu dòng hoặc được nhập về từ các viện nghiên cứu cây trồng, nhưng thực tế không có bao bì, nhãn mác chứng minh được vấn đề xuất xứ, chất lượng...

Mua giống theo kiểu may rủi

Mùa mưa năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đã mua hàng trăm cây giống cà phê, sầu riêng về trồng. Khi được hỏi về chất lượng cây giống, ông Thành ví von một cách chua chát: “Bắc thang lên hỏi ông trời!”. Theo ông Thành, giá cây giống cà phê, sầu riêng trên thị trường khá cao, nhưng chủ kinh doanh không có gì để bảo đảm cho chất lượng. Cá nhân ông Thành cũng chỉ chọn giống bằng kinh nghiệm chứ không có cách nào để phân biệt thật giả, bởi cây giống chẳng hề có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Đào, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã mua 100 trăm cây sầu riêng Musang King về trồng. Chị Đào chỉ mua giống theo sự giới thiệu chủ vườn ươm chứ không hề biết gì về chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ. Chị Đào cho hay, phải mất từ 4 - 5 năm sau, khi cây sầu riêng cho ra trái, chị mới biết được chất lượng thực sự của cây giống.

ADQuảng cáo

"Việc đầu tư, chăm sóc cây trồng trong thời gian dài, nếu mua phải nguồn giống không bảo đảm chất lượng thì thiệt hại cho người dân là rất lớn. Chúng tôi khi đi mua giống chỉ mua bằng cảm tính chứ về chất lượng sản phẩm thì không có đơn vị nào cam kết, bảo hộ", chị Đào cho biết.

Tiếp xúc với nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn tỉnh, hầu như ai cũng có chung nỗi niềm mua cây giống theo kiểu "may hơn khôn". May mắn thì mua được cây giống tốt, còn không may thì "rước" phải loại giống không có chất lượng và phải chịu thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Trong khi, phần lớn các cơ sở kinh doanh cây giống lại không màng đến lợi ích của khách hàng, miễn sao bán được giống là được.

Thậm chí, hiện nay kể cả nhiều chủ cơ sở cây giống cũng không nắm rõ về chất lượng của sản phẩm mình đang kinh doanh. Bởi vì, thông thường, họ đều mua cây giống từ những cơ sở sản xuất trôi nổi hoặc từ tỉnh khác về để kinh doanh. Do đó, họ không thể nắm bắt được quy trình sản xuất và xuất xứ của cây giống.

Tiền mất tật mang vì... cây giống rởm

Cách đây 4 năm, sau khi tham gia hội thảo về cây bơ tại địa phương, anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã mua gần 200 cây bơ giống 034 từ các cơ sở bán giống trên địa bàn về trồng. Sau hơn 4 năm chăm sóc, tất cả các cây bơ của gia đình anh Nam đều phát triển lớn mạnh. Thế nhưng, gia đình anh Nam chờ mãi vẫn không thấy cây bơ nào cho trái. Đến mùa vụ năm nay, có một vài cây cho trái lưa thưa, nhưng trái lại rất còi cọc, không có chất lượng.

Anh Nguyễn Văn Nam mua phải giống bơ kém chất lượng và chịu thiệt hại nặng nề

Anh Nam chia sẻ: “Hơn 4 năm qua, gia đình tôi đã tốn kém hàng trăm triệu đồng để chăm sóc cho vườn bơ, nhưng kết quả thu về là con số không. Giờ đây, khi biết là mình đã mua phải cây giống kém chất lượng thì đã muộn và đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Còn ông Nguyễn Văn Thắng, ở huyện Đắk Song bức xúc: “Cách đây 3 năm, tôi đã mua gần 200 cây tiêu từ các cơ sở bán giống trên địa bàn huyện về trồng. Trồng không được bao lâu thì tiêu bị héo vàng, không phát triển được, dù được gia đình chăm sóc rất kỹ. Buồn hơn, từ những giống cây bị bệnh này, dịch bệnh lây lan sang cả vườn tiêu của gia đình, làm chết hơn 2.000 trụ tiêu khác, thiệt hại hàng tỷ đồng”.

Theo ông Thắng, thời điểm cây hồ tiêu "lên cơn sốt", các cơ sở bán giống hồ tiêu cũng mọc lên như "nấm sau mưa". Khi đi mua giống hồ tiêu, ông cũng được chủ cơ sở cây giống chào mời, cam kết chất lượng, nên không mảy may nghi ngờ. Giờ đây khi bị thiệt hại nặng nề, ông mới biết cây hồ tiêu chưa có giống đầu dòng, nên không có gì để bảo đảm chất lượng. Và khi biết được điều này thì tất cả cũng đã muộn đối với ông.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng mua phải giống hồ tiêu nhiễm bệnh về trồng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng

Còn gia đình anh Phạm Văn Thường, ở thôn 6, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), cách đây 5 năm đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua khoảng 1.600 cây mắc ca về trồng trên diện tích 6 ha. Cho đến nay, anh Thường cũng không biết giống mắc ca mình mua có bảo đảm chất lượng hay không. Chỉ biết rằng, thực tế vườn mắc ca của anh hiện nay ở vào tình trạng cây thì có quả nhiều, cây thì có quả ít hiệu quả kinh tế chưa cao. Nếu tình trạng này còn kéo dài, gia đình anh phải tính đến phương án cắt ghép cải tạo vườn cây.

>>Kỳ 2:  Nông dân phải tự cứu mình trước khi được bảo vệ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo cây giống kém chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO