Những người "cõng" nước về đồng

Văn Tâm| 26/11/2015 09:24

Trong những ngày tháng 11, khi nông dân đang khẩn trương chuẩn bị bước vào sản xuất vụ đông xuân năm 2015 - 2016, chúng tôi theo chân ông Đỗ Tuấn Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Krông Nô đi kiểm tra công việc gia cố cống tràn tích nước, tình hình hoạt động của các trạm bơm, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện.

ADQuảng cáo

Mới bước vào đầu vụ đông xuân nhưng tiết trời đã xuất hiện những ngày nắng nóng gay gắt, các công nhân của Chi nhánh vẫn hì hục xúc từng bao đất, rồi vận chuyển bằng xe công nông trên quãng đường hàng kilômét về đắp thêm cho các ngưỡng tràn hồ đập.

Bơm tưới nước chống hạn vụ đông xuân 2014 - 2015 tại công trình thủy lợi Ea Diêr, xã Đắk Drông (Chư Jút)

Ông Cường cho biết: “Để sẵn sàn cho mùa vụ mới, khi nông dân thu hoạch xong vụ hè thu là chúng tôi tập trung vào phát quang bụi rậm, cỏ dại, gia cố, sửa chữa các tuyến kênh do đơn vị quản lý. Công việc này đã xong cách đây một tháng. Hiện giờ anh em chúng tôi đang dùng bao tải đất gia cố các cửa tràn để gia tăng thêm khả năng tích nước của các công trình thủy lợi”.

Theo anh Phạm Hoàng, cán bộ quản lý công trình thủy lợi Buôn R’cập, xã Nam Nung (Krông Nô) thì làm công nhân thủy nông cũng lam lũ “một nắng, hai sương” chẳng khác gì nông dân. Bởi, ngoài việc quản lý, điều tiết các công trình thủy lợi thì để dòng chảy về đến chân ruộng, cán bộ, công nhân thủy nông phải ngày đêm túc trực, xử lý các sự cố để dòng nước từ kênh đầu mối về đến đồng ruộng được suôn sẻ. Vì vậy, bất kể ngày đêm, khi trên đồng ruộng bà con đang sản xuất là những người làm công tác này phải có mặt trên các tuyến kênh. Công việc không chỉ là điều tiết nước cho toàn bộ ruộng lúa, rẫy cà phê mà còn phải đi dọc các tuyến kênh để vớt rác nhằm khơi thông dòng chảy.

ADQuảng cáo

Có dịp chứng kiến công việc của những người làm công tác thủy nông mới thấy, ở những công trình thủy lợi có trữ lượng nước lớn, đủ để tưới đến cuối vụ, các anh em công nhân còn có thời gian để “thở”. Còn nhiều công trình khi cây lúa mới đang “thì con gái” thì đã “đứt” nước, anh em phải phải khăn gói nằm lại tại công trình, ngày đêm bơm hút ở mực nước chết để cứu vãn tình thế.

Một trong những công trình năm nào cũng “đứt” nước sớm là công trình thủy lợi Ea Diêr, xã Đắk D’rông (Chư Jút). Với diện tích lúa dưới chân đập khoảng 20 ha, nhưng khi mực nước rút thấp hơn cống tràn 5 - 6 m và cách xa chân ruộng hàng trăm mét thì bà con không thể tự đưa nước vào ruộng được.

Do vậy, với trách nhiệm của mình, Chi nhánh Chư Jút đã phân công cán bộ đến dựng chòi, đưa máy bơm vào hút nước chống hạn cho bà con. Hàng năm, cán bộ phụ trách đập Ea Diêr phải “ăn sương, nằm gió” từ 45 – 50 ngày đêm cho đến khi ruộng lúa của bà con chắc hạt mới được phép về.

Anh Trần Văn Mỹ, cán bộ phụ trách công trình thủy lợi Ea Diêr cho biết: “Công trình Ea Diêr nằm trong vùng hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, chúng tôi phải vận chuyển từng can dầu đến để cho máy chạy. Khi máy bơm hoạt động là chúng tôi phải chạy đua với nó để điều tiết nước về ruộng lúa, không để nước tràn vào các đám ruộng bỏ hoang nhằm tiết kiệm nước. Đồng ruộng thì cao, nguồn nước ngày càng cạn kiệt, chúng tôi cứ ngỡ như “cõng” từng gàu nước vượt ngàn tưới cho cây trồng".

Theo bà Đào Thị Biện, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Chư Jút thì đối với các cán bộ thủy nông hầu như chẳng có ngày nào được nghỉ. Mùa khô hạn thì không kể nắng gió, cứ còn nguồn nước nào là bằng mọi cách dẫn về đến tận chân ruộng cho cây trồng phát triển. Còn mùa mưa thì không sợ thiếu nước nhưng cũng phải lo kiểm tra, bảo dưỡng kênh, hồ đập để duy trì hoạt động, phòng chống thiên tai, lũ lụt… Khó khăn, nhọc nhằn là thế nhưng bù lại, các công nhân thủy nông thì niềm vui lớn nhất đối với họ là khi dòng nước dẫn đến đâu, đồng nghĩa với việc nơi đó mở ra những cánh đồng rộng lớn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người "cõng" nước về đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO