Nhiều trở ngại trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bảo Anh| 25/08/2017 08:51

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ra đời vào năm 2005, bắt đầu có hiệu lực từ 2006 và được sửa đổi, bổ sung trong năm 2009. Mặc dù được sửa đổi, bổ sung song bên cạnh mặt tích cực mà các nội dung, chế tài của luật này mang lại, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại không ít những bất cập dẫn đến hoạt động quản lý, bảo hộ quyền SHTT gặp khó khăn...

ADQuảng cáo

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), từ năm 2004 đến nay, đơn vị đã thực hiện hướng dẫn thủ tục tra cứu và đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho hơn 50 đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, với nhiều nhãn hiệu và giải pháp hữu ích quan trọng.

Sản xuất đá xuất khẩu tại Chi nhánh Công ty cổ phần Phú Tài (Đắk R'lấp)

Doanh nghiệp chưa chú trọng

Từ số lượng đối tượng được hướng dẫn, cấp văn bằng, chứng nhận thời gian qua trên địa bàn tỉnh cho thấy, công tác đăng ký bảo hộ quyền SHTT vẫn còn khá “khiêm tốn”.

Lĩnh vực được cấp lại chủ yếu là hàng hóa và dịch vụ, với 55 nhãn hiệu. Lĩnh vực sáng chế và giải pháp hữu ích chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ với 7 văn bằng bảo hộ. Nguyên nhân một phần là do các hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đều được hướng dẫn và nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Một số hồ sơ thông qua các đơn vị tư vấn và phần còn lại rất ít là do Sở KH&CN hướng dẫn làm thủ tục nên công tác thống kê cũng gặp khó khăn. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh lại hoạt động ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên nhận thức về vai trò của SHTT chưa cao, số lượng doanh nghiệp đăng ký SHTT rất ít.

Cũng chính sự không đồng nhất và sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp về vai trò của SHTT trong quá trình sản xuất, kinh doanh nên tình trạng vi phạm về quyền SHTT trên địa bàn tỉnh đang diễn ra ngày một tinh vi, phức tạp. Chỉ tính từ năm 2010-2016, Chi cục Quản lý thị trường của tỉnh đã phát hiện, xử lý 31 vụ vi phạm hàng giả và quyền SHTT, với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 527 triệu đồng; đồng thời, thực hiện tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm khác…

Bất cập trong các quy định

ADQuảng cáo

Luật SHTT đi vào hoạt động đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Vấn đề thực thi quyền tác giả cũng được quy định trong nhiều văn bản có hiệu lực khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các văn bản pháp luật đó lại chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nên đã và đang tạo ra những “trở ngại” trong quá trình thực thi quyền SHTT của một số đơn vị liên quan.

Đơn cử như với ngành Tòa án nhân dân và Kiểm sát nhân dân tỉnh, khi muốn xác định một tranh chấp cụ thể về quyền tác giả có thuộc thẩm quyền của đương sự hay không thì cá nhân, tổ chức thực hiện pháp luật phải nghiên cứu ở rất nhiều văn bản khác nhau. Trong khi đó, hiện nay, các quy định liên quan đến thủ tục hành chính bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp lại đang nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật nên đã gây nhiều khó khăn cho đương sự khi tiến hành thủ tục khởi kiện cũng như cơ quan Tòa án khi thụ lý và giải quyết vụ việc…

Bên cạnh đó, hiện nay, thời hạn xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHTT cho các đối tượng sở hữu công nghiệp tại Cục SHTT lại quá dài đã vô tình làm ảnh hưởng tới “tâm lý” tham gia đăng ký bảo hộ của không ít doanh nghiệp. Chẳng hạn như đối với nhãn hiệu được cấp văn bằng, thời gian xử lý từ 18-20 tháng. Còn với sáng chế, giải pháp hữu ích, thời gian xử lý kéo dài tới 48 tháng…

Đơn cử như trường hợp về giải pháp hữu ích “Hệ thống kết nối cầu sau cho máy cày tay” của Cơ sở Cơ khí Cẩn (Đắk Mil). Sản phẩm được đăng ký từ năm 2007, nhưng mãi tới năm 2013 mới được cấp bằng sáng chế. Trong quá trình chờ cấp văn bằng, sản phẩm của cơ sở đã bị xâm phạm quyền nhưng không thể xử lý được do không có văn bằng bảo hộ. Đến khi được cấp văn bằng thì sản phẩm đã bị “bão hòa”. Lúc này, chủ văn bằng bảo hộ cũng không muốn khiếu kiện nữa.

Ông Ngô Thanh Hoàn, Chủ cơ sở Cơ khí Cẩn cho biết: Thời gian xử lý hồ sơ kéo dài, chậm trễ đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đặc biệt, tình trạng hàng giả, hàng nhái cứ “vô tư” có mặt trên thị trường, vừa gây nên tình trạng “phá giá”, vừa ảnh hưởng tới uy tín chất lượng nhãn hiệu hàng hóa của cơ sở, mà không có cách nào xử lý được. Mặc dù năm 2008 cơ sở đã được ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, đối tượng vi phạm đã bị xử phạt, cảnh báo, nhưng chỉ được một thời gian đầu. Còn về sau, đối tượng làm nhái sản phẩm càng nhiều và công khai hơn, do chưa có cơ sở để xử lý triệt để…

Cần có cơ chế "thoáng" hơn

Để sớm hoàn thiện thể chế và thực thi có hiệu quả bảo hộ quyền SHTT trong thời gian tới, vừa qua, ngành KH&CN của tỉnh đã thực hiện tổng hợp các ý kiến, đóng góp từ các ngành, địa phương và trình  UBND tỉnh, Bộ KH&CN xem xét, bổ sung, sửa đổi một số quy định thuộc thẩm quyền liên quan đến SHTT theo hướng thông thoáng hơn.

Trong đó, Bộ KH&CN cần sớm tạo cơ chế xã hội hóa hoạt động sự nghiệp và cho phép Cục SHTT sử dụng nguồn lực bên ngoài đối với một số công đoạn của quá trình xác lập quyền như: Điện tử hóa dữ liệu, đánh máy, tra cứu thông tin, kiểm tra chất lượng thẩm định… Qua đó, thời gian xử lý đơn xác lập quyền SHTT cho cá nhân, tổ chức sẽ được rút ngắn để tạo thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết các tranh chấp vi phạm. Ngoài ra, quá trình xác lập quyền SHTT cũng cần được công khai, minh bạch về kết quả tra cứu, thẩm định, thứ tự xử lý đơn… để các cá nhân, tổ chức và địa phương sớm nắm bắt, phối hợp thực hiện.

Theo ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở KH&CN :

Hiện nay, số lượng nhãn hiệu của tỉnh nộp khá lâu hoặc đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, nhưng vẫn chưa có văn bằng bảo hộ. Điều này đã gây nhiều cản trở cho quá trình đầu tư phát triển sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Vì vậy, vừa qua, đơn vị cũng đã thực hiện thống kê danh sách các đơn vị đăng ký và đề nghị Cục SHTT đẩy nhanh tiến độ cấp văn bằng bảo hộ cho các giải pháp hữu ích, các nhãn hiệu. Ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh quyết liệt và quan tâm hơn nữa tới công tác phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương, nhất là về các chính sách hỗ trợ cụ thể cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trở ngại trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO