Nhiều nông dân Gia Nghĩa đã phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Hoàng Hoài| 23/03/2015 11:08

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Gia Nghĩa thì thời gian qua, để Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020 triển khai đạt hiệu quả thì các cấp hội nông dân trên địa bàn thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về tầm quan trọng của nghị quyết, nhất là đưa khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa cây trồng vào phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập.

ADQuảng cáo

Đơn cử như trường hợp ông Ngô Minh Hải ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Thành, từ năm 2007 đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để trồng lan rừng, hoa ly, dạ yến thảo...với diện tích 3 sào.

Theo ông Hải, để trồng hoa thành công, kỹ thuật thôi thì chưa đủ mà người trồng cần phải có sự đam mê, nhẫn nại. Hiện nay, cùng với việc sưu tầm, mua giống, mỗi năm, gia đình ông đều có từ 5000-6000 dây hoa lan có giá trị cao như hạt đỉnh vàng, nâu, trắng, bầu rượu, long tu, kim điệp, thủy tiên, trúc lan, vòi rồng...

Do nhu cầu của thị trường chưa lớn nên ông chủ yếu trồng bán vào dịp tết với thu nhập mỗi năm ước đạt 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn phát triển thêm tiêu, cà phê, cây ăn trái và kinh doanh tổng hợp với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Còn gia đình ông Trần Văn Chủng ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức thì lại bén duyên với nghề trồng rau. Theo như ông Chủng thì qua học hỏi, tham khảo các tài liệu sách, báo cũng như các lớp tập huấn do hội tổ chức, từ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp - PTNT thị xã, gia đình ông đã đầu tư thêm vốn để làm nhà lồng với diện tích 1.400 m2, chủ yếu trồng các loại rau như cải, tần ô, cà chua, xà lách, rau thơm...

Nhờ biết ứng dụng kỹ thuật trong trồng và chăm sóc nên hàng ngày, gia đình ông đều có rau để bán. Nếu tính theo giá ngày thường thì mỗi tháng, gia đình ông đã có thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ rau xanh.

Vườn rau của gia đình ông Trần Văn Chủng ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức

ADQuảng cáo

Ông Chủng cho biết: “Trồng rau có nhiều khâu, nhưng khó nhất chính là khâu xuống giống. Bởi xuống giống đúng cách thì cây rau mới có khả năng phát triển tốt. Hơn nữa, việc trồng rau trong nhà lồng đã giúp gia đình hạn chế được những thiệt hại do mưa hay côn trùng gây ra. Đặc biệt, tôi có thể trồng được các loại rau quanh năm chứ không theo mùa vụ như khi trồng bên ngoài”.

Tương tự gia đình ông Phan Văn Thuận ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan thì được coi là tỷ phú về tiêu. Được biết, gia đình ông hiện có 2,6 ha tiêu và cà phê. Nhờ biết chăm sóc mà năm vừa qua, gia đình ông thu được cả tỷ đồng.

Theo ông Thuận chia sẻ thì để tiêu cho trái đúng vụ, đảm bảo năng suất, chất lượng thì phải chú trọng đến khâu chăm sóc, nhất là bón phân theo đúng thời vụ, đúng giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu. Hiện gia đình ông trồng tiêu trên những trụ cây sống để tiết kiệm chi phí xây trụ cũng như hạn chế được mầm bệnh tiềm ẩn trên những thân cây đã chết. Vào mỗi mùa thu hoạch xong, đối với tiêu non, ông cũng cho hái rồi bán cho các nhà hàng, nên vườn tiêu của gia đình đều được hái đồng loạt.

Ông Phan Văn Thuận trồng tiêu trên trụ cây sống

Ông Thuận cho biết: “Trước đây, gia đình trồng nhiều giống tiêu nhưng hiệu quả và khả năng kháng bệnh cao nhất chỉ có trên giống tiêu Vĩnh Linh này thôi. Hơn nữa, trong quá trình bỏ phân cho cây, gia đình tôi đều vét bồn để phân không rơi vào dây tiêu làm thối rữa, khô lá và việc bỏ phân xung quanh gốc sẽ kích thích rễ cây tiêu vươn ra để ăn dưỡng chất và nuôi cây. Cũng vì thế, tán dây tiêu sẽ to hơn và quả cũng nhiều hơn”.

Cũng theo Hội Nông dân thị xã thì hiện nay, qua tuyên truyền, vận động của hội, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn đã chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như đưa những giống cây mới, năng suất cao vào trồng trọt để tăng nguồn thu. Việc phát triển trồng trọt cũng mở ra theo hướng đa cây, đa con chứ không tập trung đơn thuần một loại để lấy ngắn nuôi dài, hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nhất là mất giá, mất mùa.

Bên cạnh đó, Thị hội cũng phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm trong sản xuất để đồng hành, hỗ trợ hội viên. Từ đó, nhận thức của hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp cũng được nâng lên, nhất là chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nông dân Gia Nghĩa đã phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO