Nhà nông chú trọng chăm sóc cây trồng sau khô hạn

Hồng Thoan| 16/05/2016 10:18

Sau thời gian cao điểm của khô hạn, hiện nay, nhiều nông dân đang đẩy mạnh việc chăm sóc các loại cây trồng dài ngày, giúp cây nhanh chóng phục hồi sinh trưởng, phát triển bình thường.

ADQuảng cáo

Đắk Mil là một trong những địa phương có nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu đã chịu ảnh hưởng nặng của khô hạn. Theo thống kê trong vụ đông xuân 2015- 2016, toàn huyện có 1.220 ha cà phê, hồ tiêu bị mất trắng và giảm năng suất trên 70% và 3.494 ha cà phê, hồ tiêu giảm năng suất từ 30%-70%.

Hiện nay, ngành chức năng, các địa phương đang tích cực vận động, hướng dẫn người dân tích cực triển khai các biện pháp chăm sóc đúng cách.

Nông dân bon Sa Pa, xã Thuận An (Đắk MIl) chăm sóc cà phê. Ảnh: Hồ Mai

Gia đình ông Lê Dũng ở thôn 9B, xã Đắk Lao có 5 sào cà phê. Thời gian qua, do ảnh hưởng của khô hạn nên vườn cây bị héo lá, một số cây có biểu hiện khô quả. Tuy nhiên, sau khi có nước tưới thì vườn cây đã bắt đầu xanh trở lại. Hiện nay, gia đình anh đang tập trung cho việc chăm sóc, bón phân để vườn cây nhanh chóng lấy lại sức. Theo sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ khuyến nông xã, ông chú trọng sử dụng các loại phân dạng nước, phân sinh học với đặc điểm là dễ tan, cây dễ hấp thụ. Cùng với đó, ông vẫn tủ gốc cây để giữ ẩm.

Ông Dũng cho biết: “Sau thời gian chống chọi với nắng nóng khi có nước thì cây xanh trở lại nhưng cũng đồng thời với nó là nguy cơ về việc rụng quả nên tôi chú trọng bổ sung thêm các chất như kẽm để tăng sức đề kháng cho cây, giúp giữ trái tốt”.

Còn bà Hoàng Thị Cứu ở thôn 8A, xã Đắk Lao thời gian này lại chú trọng việc cắt cành cho vườn cây. Theo bà Cứu thì sau khô hạn, nhiều cành, thân bị khô, chết nên gia đình phải cắt bỏ. Cùng với đó, bà thực hiện bón phân cân đối để kích thích cho cây ra cành mới.

ADQuảng cáo

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn đã có mưa, tuy lượng mưa chưa nhiều nhưng đã phần nào giúp cho việc phục hồi cây cà phê, hồ tiêu được thuận lợi. Do đó, Phòng đã đẩy mạnh việc hướng dẫn nhân dân tập trung cho việc tỉa tán, tạo cành, làm cỏ gắn với việc phòng trừ các loại sâu bệnh hại, bón phân cân đối, đúng thời điểm để cây phục hồi nhanh chóng. Đối với những diện tích bị mất trắng không có khả năng phục hồi thì cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con tiến hành cưa bỏ, chuẩn bị ghép phục hồi hoặc nhỏ bổ để làm đất tái canh”.

Còn tại huyện Đắk Song, địa phương cũng có hơn 1.900 ha cà phê, hồ tiêu bị mất trắng và giảm năng suất. Trong đó, nhiều vườn hồ tiêu vừa chịu ảnh hưởng của khô hạn vừa bị sâu bệnh tấn công. Hiện nay, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang đẩy mạnh việc hướng dẫn nhân dân chăm sóc đúng cách. Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, trên địa bàn huyện có hơn 850 ha hồ tiêu bị bệnh tuyến trùng hại rễ.

Cùng với đó, một số diện tích khác bị bệnh vàng lá chết nhanh chết chậm. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật đang tăng cường xuống cơ sở giúp nhà nông chống bệnh, chăm sóc hợp lý, khoa học. Cùng với việc cắt, nhổ bỏ, tiêu hủy thì lưu ý việc hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật  đúng cách, đúng lúc, đúng thời điểm, liều lượng. Biện pháp chăm sóc được chú trọng mạnh hơn, riêng bón phân thì nghiêng về sử dụng các loại phân bón sinh học, vi sinh.

Nông dân xã Nâm N’Jang (Đắk Song) chăm sóc hồ tiêu sau hạn hán

Không chỉ ở huyện Đắk Song, trước ảnh hưởng của hạn hán, sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều hơn, toàn tỉnh cũng đã có 1.100 ha hồ tiêu mắc các loại bệnh hại rễ do nấm, tuyến trùng và rệp sáp gốc, chết nhanh, chết chậm.

Về vấn đề chăm sóc cây hồ tiêu trong giai đoạn này, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết thêm: “Nhà nông cần tăng cường chăm sóc, cắt tỉa cành già, bệnh. Những vùng chưa có mưa đều thì bà con tưới nước theo chu kỳ 2-3 ngày/lần, với lượng nước mỗi lần tưới 20 lít/gốc. Phân bón thì chú ý sử dụng các loại phân hữu cơ hoai mục từ 15- 20 kg/gốc, bón phân vô cơ cân đối  như KNO 3, NUPE giúp cây sinh trưởng khỏe”.

Theo các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp thì sau nắng hạn, việc chăm sóc cho cây trồng có tác dụng rất tốt đối với việc giúp cây phục hồi sức khỏe, giúp giảm bớt ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Do đó, nhà nông cần chú ý thực hiện theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn ở địa phương nhằm tạo thu nhập cho gia đình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nông chú trọng chăm sóc cây trồng sau khô hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO