Nguồn vốn ưu đãi lãi suất ở Tuy Đức: Tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân

Hà An| 28/07/2016 10:56

Không chỉ thoát được nghèo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tuy Đức đã và đang có cơ hội “đổi đời” với những mô hình kinh tế khá hiệu quả. Thành công bước đầu này, ngoài sự nỗ lực vươn lên của người nông dân còn có sự giúp sức kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất.

ADQuảng cáo

Trước đây, gia đình ông Đoàn Xuân Thực, ở thôn 4, Đắk Búk So (Tuy Đức) đã ấp ủ ước mơ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trên 4 ha đất sình lầy. Tuy nhiên, do điều kiện vốn hạn chế nên vợ chồng ông cũng chỉ lấy ngắn nuôi dài, phát triển dần dần mô hình theo dạng manh mún nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Cuối năm 2014, nhận thấy nguyện vọng của ông Thực là chính đáng, cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuy Đức đã hướng dẫn gia đình lập đề án để vay nguồn vốn ưu đãi lãi suất đầu tư phát triển mô hình. Vậy là đầu năm 2015, gia đình ông được vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, với lãi suất 0,55%/năm, thời hạn vay 3 năm.

Có vốn vay, ông bắt đầu kiến thiết hệ thống kênh dẫn nước, xây cống xả và đào ao thả cá. Do thuận tiện về nguồn nước ra vào nên mỗi năm, cứ bắt đầu vào mùa mưa, ông cho nước vào ngập 3 ha đất sình để thả cá. Đến tết, ông thu hoạch một lần, bán vào dịp Tết Nguyên đán nên rất được giá.

Ông Đoàn Xuân Thực ở thôn 4, xã Đắk Búk So chăm sóc hồ cá giống để chuẩn bị cho một vụ cá mới

Xong vụ cá, ông cho nước rút chỉ trừ nước ở những mương dẫn xung quanh. Diện tích đất này sau ít ngày phơi khô, ông trồng ngô nếp, khoai lang Nhật Bản. Do đất được ngâm lâu ngày cộng thêm phân của cá nên khoai và ngô không cần bón nhiều phân mà vẫn tốt, cho năng suất cao. Vụ mùa vừa rồi, riêng cây ngô gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.

Những cây ngô, hạt ngô lép và dây khoai cũng chính là thức ăn cho vụ cá hiện đang được ông cho nước vào để xuống giống. Theo ông Thực thì vụ này, ông đã thả gần 6 tạ cá giống như rô phi, trắm, chép đen, diêu hồng... Không những thế, từ những dải đất múc ao hồ và vùng đất cao, ông đang trồng hồ tiêu.

ADQuảng cáo

Ông Thực cho biết: “Năm 2015, tuy là năm đầu mô hình mới đi vào hoạt động ổn định nhưng gia đình cũng thu về hơn 600 triệu đồng. Với đà này, từ việc nuôi cá thời vụ kết hợp trồng khoai, ngô và hồ tiêu, năm nay, thu nhập sẽ cao hơn. Kết quả đó có được trước hết là nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi lãi suất thì vợ chồng tôi không dám vay nguồn khác vì lãi suất cao, thời gian vay lại ngắn nên không kịp quay vòng đồng vốn”.

Được biết, không chỉ có thu nhập cao, ổn định, từ mô hình này, hiện gia đình ông Thực đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 8 lao động, chủ yếu là người địa phương với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng bao ăn.

Việc cải tạo 1,5 ha cà phê của ông Phạm Thiên Triều, ở thôn 3, xã Đắk Búk So cũng sẽ bị chậm lại nếu không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Cách đây vài năm, gia đình ông được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Số tiền này, ông dùng để tái canh cà phê và trồng thêm 400 trụ tiêu ở những khoảng đất trống. Hiện nay, những cây cà phê giống mới đã ra trái vụ đầu và dự kiến năm nay, năng suất sẽ tăng gần gấp đôi so với giống cà phê cũ trước đây. Những trụ tiêu cũng đang phát triển tốt, hứa hẹn cải thiện thu nhập cho gia đình.

Ông Phạm Thiên Triều ở thôn 3, xã Đắk Búk So vay vốn ưu đãi để tái canh vườn cà phê

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuy Đức thì hiện đơn vị đã và đang triển khai 12 chương trình cho vay với tổng dư nợ hơn 232,227 tỷ đồng. Trong đó, cho vay chương trình hộ nghèo hơn 105,934 tỷ đồng, học sinh sinh viên: 7,92 tỷ đồng; giải quyết việc làm: 7,202 tỷ đồng; xuất khẩu lao động hơn 280 triệu đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường: 20,687 tỷ đồng; hộ nghèo về nhà ở: 1,918 tỷ đồng; hộ thoát nghèo 5 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn: 54,145 tỷ đồng; hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: 2,438 tỷ đồng; hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo: 1,185 tỷ đồng và hộ cận nghèo hơn 24,7 tỷ đồng… 

Ông Trần Duy Kiên, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng hàng Chính sách Xã hội huyện Tuy Đức cho biết: “Ngoài việc tăng cường công tác phối hợp để giải ngân nguồn vốn kịp thời cho người dân, thời gian qua, Phòng cũng đã quan tâm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất để góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa bàn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn ưu đãi lãi suất ở Tuy Đức: Tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO